Sập cầu Ghềnh: Ngày 15/7, thông tuyến đường sắt Bắc-Nam

author 06:44 22/03/2016

(VietQ.vn) - Theo dự kiến, ngày 15/7, tuyến đường sắt Bắc – Nam sau sự cố sập cầu Ghềnh sẽ được thông tuyến.

Chiều 21/3, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Thứ trưởng Nguyễn Nhật có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về phương án khắc phục tai nạn sập cầu Ghềnh trưa 20/3.

Buổi làm việc đặc biệt nhấn mạnh đến các phương án khắc phục sự cố sau tai nạn sập cầu Ghềnh. Theo đó, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề xuất 3 phương án được cho là khả thi nhất trong thời điểm hiện tại.

Phương án 1 sẽ tập trung khôi phục 110 m đoạn cầu bị sập. Tuy nhiên, để thực hiện phương án này cần có thời gian khoảng 20 ngày sau khi việc kiểm định trụ T2 và T3 có kết quả.

Phương án 2 sẽ thay mới cả 3 nhịp cầu, không phải gia cố các trụ mà chỉ tăng cường mố cầu, nếu quyết định sẽ triển khai ngay sản xuất thép trong vòng 2 đến 3 tháng sẽ xong, đồng thời làm mới 2 mố trụ bẳng bê tông cốt thép.

Phương án 3 là khôi phục nguyên trạng, có cải tạo.

Sập cầu Ghềnh: Dự kiến ngày 15/7, thông tuyến đường sắt Bắc – NamSập cầu Ghềnh: Dự kiến ngày 15/7, thông tuyến đường sắt Bắc – Nam. Ảnh: Dân trí

Sau khi nghe Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề xuất 3 phương án khắc phục, lãnh đạo Bộ GTVT đã chốt chọn phương án 3 để xử lý vụ sập cầu Ghềnh. Dự kiến, ngày 15/7, tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ thông tuyến.

Về phương án trục vớt đoạn cầu bị sập xuống sông, qua khảo sát chiều dài 2 km, phạm vi chiều rộng 60 m Cục đường thủy nội địa đề nghị tỉnh Đồng Nai giải tỏa hành lang phía sông Cái để thông tuyến chạy tàu, tránh tình trạng tàu chạy qua khu vực này xảy ra tai nạn thứ 2. Đối với việc trục vớt hiện có 2 công ty trình bày phương án trục vớt, cắt nhỏ từng khối đưa vào bờ và phương án cắt toàn bộ, cẩu đưa vào bờ. Trong đó, một đơn vị đề xuất chi phí trục là 12,5 tỷ đồng. Đề nghị địa phương bố trí địa điểm để khi di chuyển khối thép vào bờ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đề nghị các cơ quan liên quan của tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt trong khắc phục sự cố. Về luồng lạch ở khu vực này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ GTVT cho phép nạo vét đảm bảo việc chạy tàu vì hiện tại có đá ngầm cần.

Chỉ đạo tại cuộc họp, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị trước 24/3, Tổng công ty đường sắt Việt Nam cần chốt phương án cuối cùng về khắc phục sự cố báo cáo cụ thể Bộ GTVT. Đồng thời chủ động về kỹ thuật, huy động nhân lực để thực hiện việc điều chỉnh chạy tàu và phối hợp với tỉnh Đồng Nai thực hiện trung chuyển hành khách và hàng hóa.

Đối với việc khảo sát, thứ trưởng yêu cầu cần tiếp tục thực hiện để dựng hình 3D. Từ đó, xác định phương án tháo dỡ đảm bảo an toàn.

Liên quan đến vụ sập cầu Ghềnh ở TP Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) vào trưa 20/3, các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu là do tàu kéo mang BKS: SG 3745 kéo theo sà lan BKS: SG 5984 chở khoảng 800 tấn cát từ Long An về hướng Đồng Nai đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa. Sà lan qua cầu gặp lúc thủy triều lên, nên đã đâm gãy 2 nhịp cầu số 2 và 3 trong 4 nhịp cây cầu này.

Sà lan có chiều dài khoảng 43m, rộng hơn 12m, chiều chiều cao mạn là 3,3m. Sà lan có vỏ được làm bằng thép. Sà lan được thiết kế năm 2007. Phương tiện này được kiểm định gần nhất vào ngày 6/3/2015 và đã hết hạn kiểm định vào ngày 1/12/2015.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang