Sau 1 tháng EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản sang EU thay đổi lớn ra sao?

author 15:09 30/09/2020

(VietQ.vn) - Tháng 8/2020, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 98 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2019

Sau 1 tháng hiệp định EVFTA có hiệu lực, mặc dù không tránh khỏi những lúng túng ban đầu về thủ tục, song kết quả xuất khẩu thủy sản đã có những thay đổi tích cực. Nhờ được ưu đãi thuế 0% ngay từ khi hiệp định có hiệu lực, sản lượng xuất khẩu tôm và mực, bạch tuộc đều tăng so với cùng kỳ và tháng 7, trước khi EVFTA có hiệu lực.

 Xuất khẩu thủy sản sang EU có những chuyển biến tích cực nhờ EVFTA. Ảnh minh họa

Cụ thể, thay đổi tích cực nhất là tôm và mực, bạch tuộc, trong đó tôm tăng gần 16% so cùng kỳ 2019, tăng gần 9% so với tháng 7/2020; mực, bạch tuộc tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng gần 24% so với tháng 7/2020.

Xuất khẩu cá tra phục hồi 4% so với tháng 7 nhưng vẫn giảm gần 24% so với cùng kỳ 2019. Xuất khẩu cá ngừ sau khi tăng 65% trong tháng 7, sang tháng 8 giảm sâu 17% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 28% so với tháng 7/2020. Xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác cũng giống xu hướng cá ngừ: giảm 25% so cùng kỳ và giảm 14% so với tháng 7/2020.

8 tháng đầu năm, tổng xuất khẩu đạt trên 600 triệu USD, giảm trên 13% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tôm vẫn giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, cá tra giảm sâu 34%, cá ngừ giảm 9%, mực, bạch tuộc giảm 37%, các hải sản khác giảm 14%.

Tôm chiếm 52% xuất khẩu thủy sản sang EU, với tốc độ tăng trưởng sau EVFTA, dự báo sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong những tháng tới. Cá tra chiếm 15%, cá ngừ chiếm 14% - 2 sản phẩm này không có triển vọng phục hồi trong những tháng cuối năm. Mực bạch tuộc chiếm 5%, còn lại hải sản khác chiếm 14%. Dự báo mực, bạch tuộc có thể sẽ tăng khoảng 10 – 15% trong những tháng cuối năm và tăng trưởng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu khai thác trong nước.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. 220 mặt hàng thủy sản có thuế suất cơ sở 0 - 22%, trong đó thuế cao từ 6 - 22% sẽ về 0% kể từ ngày 1/8. Trong đó, phải kể đến một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…

Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%.

Các sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS 03061792) được giảm từ mức đang áp dụng là 4,2% (thuế GSP) về 0% ngay từ ngày 1/8/2020. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến, thuế sẽ giảm từ mức 7% (GSP) về 0% sau 7 năm.

Đối với sản phẩm cá tra đông lạnh, lộ trình giảm thuế từ 5,5% về 0% sau 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm.

Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm.

Theo các chuyên gia, EVFTA đã tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có FTA với EU, nhất là hàng hóa nông sản. Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản. Còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Điều đó cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu là vô cùng lớn.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang