Sau Bình Định, ngư dân Thanh Hóa cũng ‘khốn khổ’ vì tàu vỏ thép hư hỏng hàng loạt

author 11:05 28/06/2017

(VietQ.vn) - Hàng loạt tàu vỏ thép trục trặc, hỏng hóc đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đánh bắt của ngư dân Thanh Hóa.

Dù chỉ mới đưa vào khai thác trong thời gian ngắn, nhưng theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, 15/23 tàu vỏ théo ở địa phương được đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã hư hỏng, trục trặc liên tục, khiến ngư dân lao đao vì nhiều chuyến đi đánh bắt phải về không. Tại TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) có 7 chiếc tàu vỏ thép đang hoạt động nhưng có tới 4 chiếc thường xuyên hư hỏng, phải nằm bờ sửa chữa trong khi ngư dân từng ngày bạc mặt kiếm tiền trả ngân hàng. 

Trường hợp điển hình của sự cố tàu hư hỏng tại Thanh Hóa xảy ra trên con tàu mang số hiệu TH-93968 TS (công suất 829 CV) của ông Nguyễn Duy Muộn (ngụ P.Quảng Cư, TP.Sầm Sơn). Theo ông Muộn, tàu của ông có tổng vốn đầu tư hơn 17,7 tỉ đồng (trong đó vốn vay ngân hàng 17 tỉ đồng, còn lại vốn của gia đình) do Công ty CP Đại Dương (địa chỉ tại xã Thụy Hải, H.Thái Thụy, Thái Bình) đóng.

Tàu của gia đình ông Nguyễn Duy Muộn phải hàn lại bánh lái bị gãy sau chuyến đi biển thứ 3. (Ảnh: Thanh niên) 

Vào tháng 2/2015, gia đình được UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào danh sách đóng tàu theo Nghị định 67. Đến tháng 8.2016 thì đơn vị đóng tàu hoàn thành bàn giao tàu. Hai tháng sau (10.2016), ông Muộn cùng 9 thuyền viên đi chuyến đầu tiên, nhưng vừa thả lưới xuống biển thì máy tời bị vỡ, hư hỏng nặng, không thể đánh bắt nên phải đánh tàu vào xưởng sửa chữa của Công ty CP Đại Dương (ở Thái Bình) hết 10 ngày.

Sau đó, ông tiếp tục ra khơi chuyến thứ 2, nhưng cũng vừa ra đánh bắt được 2 ngày thì máy phát điện chính bị hỏng, lại phải đánh tàu về bến ở cảng Hới (TP.Sầm Sơn) sửa chữa. Từ chuyến thứ 3 đến chuyến thứ 8, tình trạng cũng tương tự. 

Từ khi nhận tàu, chuyến nhiều ông phải chi tới gần 100 triệu đồng, chuyến ít cũng 40 - 50 triệu đồng nhưng chưa chuyến nào ông đánh bắt trọn vẹn. Trong khi mỗi quý, ông phải nộp cho ngân hàng khoảng 270 triệu đồng và trả lương cho lao động 8 triệu đồng/người/tháng. Bức xúc về việc này, ông Muộn đã tổng hợp những hư hỏng của tàu gửi các cơ quan chức năng nhờ giải quyết.

Không chỉ riêng tàu ông Muộn, nhiều tàu vỏ thép khác cũng liên tục gặp sự cố, hư hỏng, như tàu của ông Lê Văn Lực (ngụ tại xã Hoằng Trường, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), số hiệu TH-91709 TS, công suất 811 CV do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương (địa chỉ tại tỉnh Nam Định) đóng. Con tàu này mới đi biển được 4 tháng nhưng thường bị hư hỏng cẩu tời, bục ti ô dầu nhờn thủy lực, cháy chấn lưu…

Tàu cá của ông Trần Văn Thượng (ngụ tại xã Nghi Sơn, H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cũng do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương đóng và đi vào hoạt động từ tháng 2.2016. Mới được hơn 1 năm, nhưng tàu đã bị gỉ sét, bong tróc sơn, xuống cấp, hư hỏng cẩu tời…

 Tàu vỏ thép của ngư dân Lê Văn Lực (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thường xuyên bị hư hỏng, trục trặc khi ra khơi. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trả lời báo chí, ông Lường Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND P.Quảng Cư (TP.Sầm Sơn), địa phương có 5 tàu vỏ thép (trong đó đa phần đều có trục trặc và hư hỏng) cho rằng việc bức thiết bây giờ là xác định rõ nguyên nhân, từ vỏ tàu đến máy móc, các thiết bị trên tàu có đúng chủng loại, đóng có đúng thiết kế không để khắc phục những lỗi đang xảy ra.

Liên quan đến vấn đề này, vào trưa 27/6, ông Nguyễn Đức Quyền - phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - cho biết: “UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao Sở NN&PTNT kiểm tra, rà soát lại. Sau khi có báo cáo sở này, nếu tàu nào bị trục trặc sẽ xử lý theo đúng quy định của Nhà nước”.

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT Thanh Hóa - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nghị định 67 Thanh Hóa) cho biết Sở cũng đã có thành lập đoàn kiểm tra thực tế để nắm bắt những hư hỏng, trục trặc của các tàu vỏ thép trên địa bàn sau khi một số tàu vỏ thép ở các tỉnh khác bị hư hỏng.

Chúng tôi cũng đã thông báo cho các ngư dân có tàu vỏ thép, nếu tàu có hư hỏng thì làm báo cáo gửi chính quyền địa phương, địa phương sẽ gửi lên Sở NN-PTNT, sau đó Sở báo cáo tỉnh và tìm giải pháp tháo gỡ”, ông Cường nói.

Phong Lâm (T/h)

Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Khởi kiện công ty đóng tàu né trách nhiệm(VietQ.vn) - Chiều 26/6, tại buổi công bố kết quả chính thức thẩm định tàu vỏ thép tại Bình Định, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu UBND các huyện hỗ trợ ngư dân làm đơn khởi kiện công ty đóng tàu trong ngày 27/6.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang