Vụ tàu vỏ thép nằm bờ: Đăng kiểm viên yếu năng lực

author 13:33 23/06/2017

(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ tàu vỏ thép nằm bờ, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Đào Hồng Đức thừa nhận trình độ của đăng kiểm viên yếu năng lực nên không phát hiện đâu là thật, giả.

Trước vụ "lùm xùm" hàng loạt tàu thép mới bàn giao cho ngư dân Bình Định đã liên tục gặp sự cố nằm bờ, lần đầu tiên Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục thủy sản) thừa nhận trách nhiệm trong vấn đề an toàn kỹ thuật tàu thép.

Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, cho biết khi kiểm tra máy tàu, rõ ràng đầy đủ hồ sơ, có ghi là máy thủy, mới 100% nên cán bộ đăng kiểm mới cho lắp ráp vào tàu. Khi lắp đặt thực tế và chạy thử thì máy vẫn hoạt động bình thường nhưng bàn giao về cho ngư dân đưa ra khơi đánh bắt thì gặp sự cố.

"Sau khi kiểm tra thì máy tàu được làm giả tinh vi, trình độ của đăng kiểm viên yếu năng lực nên không phát hiện đâu là thật, giả. Hiện các cơ quan chức năng chưa phát hiện ra tiêu cực của đăng kiểm viên", ông Đức nói.

Theo các chuyên gia kiểm định độc lập Bình Định, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) đã ký kết hợp đồng giám sát đối với cơ sở đóng tàu. Trong quá trình kiểm tra, đăng kiểm viên đã kiểm tra vật liệu chính trước khi gia công, kiểm tra lô vật liệu thép là thép mác A, có giấy tờ về chất lượng và xuất xứ Trung Quốc nhưng đủ điều kiện đóng tàu nên đã đồng ý cho Công ty TNHH Đại Nguyên Dương triển khai thi công đóng năm tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định.

Tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ nhiều tháng trời tại cảng Đề Gi (huyện Phù Cát). (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)

 

Nghị định 67 của Chính phủ quy định phải là máy thủy mới 100%. Trong quá trình nghiệm thu phần máy chính trước khi Công ty TNHH MTV Nam Triệu lắp trên các tàu cá vỏ thép, các đăng kiểm viên đã khẳng định máy mới 100% đồng ý chuyển bước lắp đặt trên tàu. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra tại hiện trường máy trước và sau khi lắp đặt của các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ).

Họ cũng không kiểm tra chứng nhận thí nghiệm máy (ETR) của nơi sản xuất và không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thủy gồm: Bộ sinh hàn giải nhiệt khí nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt gia công, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt...

Về phần máy chính, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường và đối chiếu các hồ sơ, có 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA hoạt động không ổn định. Các chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi. Hãng này đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có model và công suất như ghi trên decal máy.

Có 3 máy chính tàu hiệu Doosan 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, tuy nhiên trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng... Qua kiểm tra hồ sơ, phát hiện cả 3 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ và thực tế.

Để khắc phục, giải quyết những vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho rằng nhiều máy Mitsubishi không phải hàng chính hãng, có dấu hiệu cải hoán như báo cáo là do trách nhiệm của đơn vị cung cấp máy. Đồng thời cam kết với Bình Định và các chủ tàu thay thế mới 10 chiếc máy thủy chính hãng Mitsubishi; thay các trang thiết bị không phù hợp, sơn sửa lại tàu để bà con ngư dân sớm ra khơi trở lại.

PV (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang