Sau Tết, thực phẩm không tăng giá nhưng người mua vắng tanh

author 06:59 20/02/2018

(VietQ.vn) - Sau Tết, nhiều khu chợ tại Hà Nội các tiểu thương bán hàng từ sớm. Giá cả thực phẩm được giữ ổn định, nhiều mặt hàng rau xanh giá giảm nhẹ so với thời điểm trước Tết nhưng người mua hàng vẫn chưa nhiều.

Nếu nhiều năm trước, giá cả thực phẩm sau Tết Nguyên đán luôn tăng cao, cùng với đó nhu cầu người dùng lớn dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu nhất là đối với mặt hàng rau xanh. Thế nhưng, năm nay xu hướng thị trường có phần ngược lại. Nhiều khu chợ tại Hà Nội, các tiểu thương bán hàng từ ngày Mùng 2 Tết với nguồn thực phẩm đa dạng từ các loại thịt cho đến rau, củ, quả. Cùng với đó, giá thành không tăng so với thời điểm trước Tết. Thế nhưng, lượng người mua hàng rất thưa thớt.

Sau Tết, thực phẩm không tăng giá nhưng người mua vắng tanh

 Cảnh chen chúc mua hàng tại nhiều khu chợ những ngày đầu năm mới đã không diễn ra.

Tại chợ Giáp Bát (quận Hoàng Mai), ngay từ chiều Mùng 2 Tết nhiều tiểu thương đã trở lại bán hàng với những mặt hàng thực phẩm thiết yếu hàng ngày như thịt lợn, thịt bò, rau xanh, cá và các loại hay hoa quả. Tuy nhiên, lượng người mua không nhiều. Sang đến Mùng 3, Mùng 4 Tết, lượng người mua hàng tại chợ Giáp Bát theo quan sát của phóng viên có tăng lên nhưng vẫn không đáng kể.

Chị Mai Thị Nga, một người bán thịt bò tại chợ Giáp Bát cho biết, nếu ngày thường, hàng thịt của chị Nga bán trong buổi sáng luôn hết hơn 30kg thịt các loại. Buổi chiều, chị nhập từ lò mổ về thêm chừng 25kg nữa bán đến khoảng 8h tối cũng hết nhẵn. Thì những ngày sau Tết, cả ngày gian hàng của chị Nga bán được chưa nổi 10kg thịt bò.

“Đầu năm mới, tôi mở hàng sớm từ Mùng 2 Tết nhưng lượng người mua ít quá. So với các dịp sau Tết những năm trước, năm nay thịt bò bán chậm hơn rất nhiều. Có những năm, sau Tết thịt bán được gấp đôi, gấp ba ngày thường và giá thành tăng nhẹ vì các lò mổ hạn chế do kiêng kị đầu năm. Còn năm nay, người mua không có, cả ngày Mùng 2, Mùng 3 Tết chỉ bán chưa đầy 10kg/ngày”, chị Nga cho biết.

Theo chị Nga, giá thịt bò những ngày đầu năm không tăng so với dịp trước Tết. Nguyên nhân do mọi nhà đều tích trữ thịt cho kì nghỉ Tết nhiều. Trong khi đó, sinh viên, người lao động đa phần vẫn ở quê chưa lên Hà Nội để làm việc, học tập.

“Một nguyên nhân nữa đó là nhiều gia đình tranh thủ đi chùa, đi du xuân đầu năm trước khi kết thúc những ngày nghỉ Tết. Cùng với đó, mọi người cũng ngán ăn thịt, vậy nên thường chọn làm những món ăn nhẹ nhàng chống ngán. Một bộ phận người dân cũng tranh thủ các nhà hàng mở cửa phục vụ sớm đã đến ăn tại đây nên không có nhu cầu nấu nướng”, chị Nga nói thêm.

Sau Tết, thực phẩm không tăng giá nhưng người mua vắng tanh

 Một cửa hàng bán thịt lợn và thịt gà rất ít người mua hàng.

Cũng giống như tình cảnh của chị Nga, chị Nguyễn Hoài Thương, một người bán rau tại chợ Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, giá rau xanh sau những ngày Tết không tăng, giữ ở mức ổn định so với thời điểm trước Tết. Thậm chí, những loại rau như su hào, cải bắp, cần tây, hành... giá còn giảm nhẹ. Thế nhưng, người mua hàng vẫn rất thưa thớt.

“Tôi nghĩ rằng, mọi người cần rau ăn lẩu. Hơn nữa, nhu cầu rau xanh sau Tết những năm trước luôn tăng do đây là mặt hàng thực phẩm được người dân lựa chọn hàng đầu để chống ngán sau Tết. Vậy nên, tôi đã nhập số lượng rau khá lớn từ chợ đầu mối và bắt đầu bán từ chiều Mùng 2 Tết. Thế nhưng, khách hàng rất thưa thớt. Lượng người mua rau không nhiều, các loại rau bán chạy như: rau muống, cần, xà lách, mùi, cải xoong. Còn lại bắp cải, su hào hay khoai tây, cà chua gần như không có người mua”, chị Thương chia sẻ.

Theo chị Thương, nguyên nhân khiến mặt hàng rau xanh của chị cũng rơi vào tình trang ế ẩm là do mọi người đi chơi Tết chưa về Hà Nội. Hơn nữa trước Tết, nhiều bà nội trợ tâm lý sợ giá rau xanh tăng cao vọt giống như những năm trước đã vội mua rau tích trữ. Vậy nên, nhu cầu rau xanh năm nay sau Tết không lớn.

“Tôi nghĩ, phải qua ngày Mùng 5 Tết khi kết thúc kì nghỉ kéo dài 7 ngày thì các mặt hàng thực phẩm mới có dấu hiệu khởi sắc”, chị Thương nói thêm.

Theo Bộ Tài chính, do người lao động nghỉ dài ngày nên nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Tết được dàn trải ra nhiều ngày, tăng cao vào ngày 23 tháng Chạp (Tết Ông Công ông Táo) và kéo dài đến 30 Tết. Các mặt hàng công nghệ phẩm, thực phẩm chế biến, quà bánh, quần áo mới... đã được người tiêu dùng mua sắm từ trước.

"Do ngày 16/2/2018 là ngày mùng 1 Tết, vì vậy hầu hết các siêu thị đều không mở cửa, thường chỉ có một số sạp hàng tại chợ dân sinh hoặc một vài cửa hàng mở bán lấy may. Người dân chủ yếu đi thăm hỏi chúc Tết và đi lễ chùa đầu năm. Vì vậy, giá cả các loại hàng hóa (nếu có) sẽ ít biến động so với ngày 30 Tết", Bộ Tài chính nhận định.

 Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang