Sẽ có một "siêu công ty" quản lý các ngân hàng

author 08:06 31/03/2013

(VietQ.vn) - Chính phủ đang bàn bạc để thành lập một công ty quản lý tài sản Ngân hàng Nhà nước.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ cũng bàn về đề án thành lập công ty quản lý tài sản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đây là một trong nhiều công cụ giải quyết nhanh nợ xấu. Qua quá trình thảo luận, Chính phủ tiếp tục giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  làm việc với NHNN làm rõ thêm một số vấn đề.

Vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về công ty này.
Vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về công ty này.

Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua về nguyên tắc nhưng  còn nhiều quy định cụ thể chưa tạo được lòng tin của ngay trong các thành viên Chính phủ rằng khi đề án này được phê duyệt, nghị định được ban hành, công ty này ra đời thì nợ xấu của doanh nghiệp sẽ được giải quyết. Theo dự thảo đề án, hiện mới nằm ở mức xử lý nợ giữa các ngân hàng nên các Bộ phải làm việc tiếp với NHNN. Và Chính phủ giao cho các bộ làm việc tích cực để nghị định về công ty này sớm được ban hành để góp phần xử lý nợ.

Tuy nhiên, không chỉ chờ công ty này ra đời thì nợ mới được xử lý mà hiện vẫn đang được xử lý, và cũng không thể mong rằng công ty này ra đời thì tất cả nợ sẽ được xử lý ngay. Đây cũng chỉ là một trong các giải pháp góp phần xử lý nợ xấu. 

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng này, Chính phủ đã dành riêng một mục bàn về công ty này vì đây là công ty đặc biệt, nếu thành lập một công ty bình thường thì không xử lý được nợ xấu.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao NHNN dự thảo một Nghị định của Chính phủ về công ty này. Trong phiên họp lần này, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận và thấy còn nhiều điểm cần yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, NHNN bàn bạc, thống nhất thêm để giải đáp một số câu hỏi mà các thành viên Chính phủ đặt ra.

Như tôi nói ban đầu, một trong những quan tâm của nhiều thành viên Chính phủ là theo dự thảo hiện nay thì Công ty này ra đời phần nhiều mới dừng lại ở mức xử lý nợ giữa các ngân hàng với nhau, nhưng điều mà xã hội quan tâm là tác động của nó tới nợ giữa doanh nghiệp và ngân hàng như thế nào. Do đó, cần làm rõ thêm, chỉnh sửa, bổ sung một số quy định trong dự thảo.

Đây là Nghị định của Chính phủ nên chắc chắn từ nay tới kỳ họp Chính phủ tháng 4/2013 (cuối tháng 4/2013) chưa thể ban hành được, trong thời gian đó các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thiện thêm dự thảo để trình Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013.

Bích Diệp

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang