TP. HCM gắn mác những nhà hàng không đạt chuẩn, Hà Nội gắn logo cho thực phẩm sạch

author 11:45 13/06/2017

(VietQ.vn) - Hà Nội và TP.HCM đang đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt quản lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm.

TP.HCM tăng cường chống thực phẩm bẩn

Thay vì công nhận các cửa hàng kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm, TP.HCM có thể sẽ gắn mác cho những cửa hàng, nhà hàng không đạt tiêu chuẩn.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đã đến lúc phải rà soát lại hiệu quả quy định của Bộ Y tế về các cơ sở muốn sản xuất, kinh doanh các thực phẩm như thịt, sữa, trứng và thủy sản. Theo đó, bắt buộc các cơ sở này phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP).

Cũng theo ông Tuyến, hiện TP.HCM có hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh thực phẩm khiến lực lượng quản lý của thành phố phải mất khá nhiều thời gian, công sức để đi kiểm tra, công nhận.

“Giải pháp này có tính hiệu quả không cao. Chưa nói là do tình cảm, do lợi ích riêng nào đó, một số điểm kinh doanh được cấp giấy chứng nhận không đúng thực chất”, ông Tuyến cho biết.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố nghiên cứu giải pháp niêm yết một bảng thông báo nhà hàng hoặc cửa hàng thực phẩm không đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Tuyến đánh giá rằng đây là giải pháp có tính răn đe hơn, thực hiện cũng nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, vị này cho biết giải pháp trên sẽ cần đối chiếu với các quy định của pháp luật trước khi được ban hành

Cũng trong buổi làm việc với Ban quản lý An toàn thực phẩm và 24 quận, huyện, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thành phố kiên quyết theo đuổi mục tiêu tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng, siêu thị đều kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xa hơn là có thể truy xuất nguồn gốc. Trước mắt từ tháng 7 tới, 3 chợ đầu mối lớn của thành phố sẽ không còn thịt heo, thịt gà không rõ nguồn gốc.

Cùng với đó, các quận, huyện phải cam kết không để xảy ra tình trạng giết mổ lậu, hoặc sản xuất hàng gian – hàng giả trên địa bàn của mình. Nếu để xảy ra, quận phát hiện được thì phường phải chịu trách nhiệm; thành phố phát hiện thì quận phải chịu trách nhiệm.

Các cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn ở TP.HCM sẽ bị "gắn mác". 

Tại Hà Nội, trước hàng loạt những nỗi lo về an toàn thực phẩm hàng ngày bủa vây người tiêu dùng, Thành phố đang cho phép nghiên cứu tổ chức thực hiện gắn logo nhận diện thực phẩm sạch cho các cơ sở kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc nghiên cứu gắn logo sẽ giúp tăng cường quản lý chất lượng ATTP và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Đồng thời, việc này còn giúp ích cho nhận diện, hướng dẫn người tiêu dùng Hà Nội cách nhận biết, phân biệt sử dụng những sản phẩm an toàn vì sức khỏe gia đình, cộng đồng và xã hội.

Các cơ sở kinh doanh có nhu cầu đề nghị xác nhận điểm kinh doanh thực phẩm an toàn và gắn logo nhận diện phải có bản đăng ký và cam kết nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn với Sở Công Thương.

“Sở sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì tiến hành xác nhận cho cơ sở kèm logo nhận diện được thể hiện trên Giấy xác nhận. Các cơ sở tham gia đã được xác nhận được phép sử dụng logo để in trên biển hiệu của điểm kinh doanh”, đại diện Sở Công Thương Hà Nội nói thêm.

Dân ủng hộ nhưng nhiều điểm vẫn còn “băn khoăn”

Anh Mỹ, chủ nhà hàng nem chua, giò chả Ước Lễ Trần Công Châu, ở phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội) cho hay, gia đình rất vui khi hay tin thành phố cho phép nghiên cứu thực hiện gắn logo nhận diện cửa hàng, thương hiệu ATTP. Dù đây là một cơ sở kinh doanh nghề truyền thống cha ông để lại nhưng lâu nay điều mà anh lo lắng nhất việc nhiều nơi “mạo danh” thương hiệu.

Sản phẩm của gia đình chỉ bán lẻ duy nhất ở một địa chỉ nhưng nhiều cơ sở sản xuất nem giò khác cũng sản xuất và in logo “mạo danh” là nem giò Trần Công Châu, thậm chí còn quảng cáo rầm rộ trên Facebook để bán hàng, cạnh tranh không lành mạnh.

“Việc gắn logo nhận diện thương hiệu thực phẩm sạch là cần thiết, nó sẽ giúp cho chúng tôi giữ vững được thương hiệu và uy tín của nghề truyền thống gia đình”, ông Mỹ nói.

Cùng quan điểm với anh Mỹ, anh Anh Vũ Minh Quyết, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nông sản Cự Đà (thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết việc gắn logo nhận diện thương hiệu thực phẩm sạch là cần thiết và có ý nghĩa.

“Việc gắn logo nhận diện thương hiệu thực phẩm sạch vừa giúp chúng tôi giữ thương hiệu vừa thu hút được nhiều khách hàng”, anh Quyết chia sẻ.

Dù việc gắn logo cho thực phẩm để giúp người dân nhận biết được đâu là thực phẩm sạch và tránh xa thực phẩm bẩn là việc làm có ý nghĩa. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tỏ ra băn khoăn, nghi ngờ về tính xác thực và giá trị của logo nhận diện. Bởi lẽ, việc gắn nhãn logo sẽ do cơ sở kinh doanh thực phẩm thực hiện. Trong trường hợp, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố tình gắn logo cho những mặt hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì có logo nhận diện cũng là vô nghĩa.

 Nhiều chủ kinh doanh vẫn còn băn khoăn về việc gắn logo nhận diện thực phẩm sạch.

Chị Nguyễn Thanh Nhàn ở Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng chia sẻ: “Tôi nghĩ việc quyết định gắn logo nhận diện phải do một cơ quan chức năng nào đó đảm nhiệm và tăng cường kiểm tra giám sát tại các cửa hàng kinh doanh thì mới phát huy tác dụng. Có thể các cửa hàng kinh doanh lớn, hệ thống siêu thị uy tín làm ăn nghiêm túc, có trách nhiệm nhưng cũng không tránh khỏi việc các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ lợi dụng cơ hội này để kiếm lời”.

Về vấn đề này, anh Vũ Minh Quyết cho biết điều khiến anh lo lắng nhất là nếu công tác kiểm tra, giám sát không được thắt chặt thì chẳng khác nào “làm cũng như không” vì việc gắn mắc logo nhận diện đều do các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự làm.

Nói về băn khoăn này của người dân, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng đề xuất gắn logo để nhận diện thực phẩm sạch là rất tốt nhưng phải được tổ chức sản xuất sạch, phải kiểm soát theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra. 

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng việc dán tem mác, logo để bảo vệ, phát triển thương hiệu doanh nghiệp cần quy định rõ về kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Phong Lâm

Kinh doanh thực phẩm bẩn: Đề nghị xử lý hình sự không cần chờ xảy ra hậu quảTại hội thảo góp ý sửa đổi bộ luật hình sự, các đại biểu đề nghị liệt tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vào khung hình sự, không chờ xảy ra hậu quả.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang