Sinh viên ra trường làm ‘thằng ăn bám’: Đã kém cỏi thì đừng trách ai!

author 10:15 03/03/2016

(VietQ.vn) - Có nhiều trường hợp sinh viên ra trường cả hai, ba năm vẫn không tìm được việc làm, phải ngửa tay xin tiền bố mẹ. Quá kém cỏi!

Thời gian gần đây, tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới ra trường gia tăng đáng kể. Có những người sau vài năm không có việc làm, hàng ngày ngửa tay xin tiền bố mẹ.

Ở nhà chơi dài và bị mọi người nhìn với ánh mắt ngán ngẩm khiến họ chán nản, bất cần, quay ra trách móc hết chỗ này đến chỗ khác.

Nào là nhà nghèo không có tiền xin việc, gia đình không có ai làm to, rồi thì đến nhà trường chất lượng đào tạo kém, thầy cô kém, Chính phủ điều hành kém, nhiều doanh nghiệp làm ăn không được khiến họ không tìm được việc làm,…

Nhưng tôi cho rằng tất cả những lí do trên chỉ là ngụy biện cho sự kém cỏi của bán thân người thanh niên đó.

Sinh viên ra trường thất nghiệp

Ra trường mấy năm vẫn phải ngửa tay xin tiền tiêu vặt của bố mẹ. Kém cỏi thì đừng trách ai. Ảnh minh họa

Tôi có nhiều người bạn, học hành lẹt đẹt ở các ngôi trường ít danh tiếng. Nhưng khi ra trường, để tạm thời nuôi sống được bản thân, họ sẵn sàng làm những công việc trái với chuyên môn, từ bán trà đá, bưng bê cà phê đến chở hàng cho các doanh nghiệp.

Sau quá trình làm việc cơ bắp, họ tạo dựng cho mình một mối quan hệ nhất định, có kỹ năng giao tiếp và dần dần được cất nhắc lên làm những công việc nhẹ nhàng hơn, theo đúng ngành nghề đã được đào tạo. Nhiều người trong số họ sau 5-7 năm công tác giờ đã thành đạt là ông nọ, bà kia.

Sinh viên ngày này, dĩ nhiên có nhiều bạn tài giỏi, biết trước biết sau. Tuy nhiên phải nói thẳng là một “bộ phận không nhỏ” vừa yếu kém về chuyên môn cũng như kỹ năng giao tiếp.

Tôi được tiếp xúc với khá nhiều bạn trẻ như vậy. Đến cơ quan thực tập, gặp các anh chị trong cơ quan mắt cứ trố ra, không được một câu chào hỏi. Mang tiếng là thực tập nhưng dăm bữa nửa tháng mới mò lên cơ quan để vào mạng chát chít rồi về. Bực nữa là hết thời gian thực tập thì đến ngửa tay xin lãnh đạo “phê cho cháu đẹp đẹp một chút để về dễ ăn nói với nhà trường”.

Có bạn còn đến hỏi tôi thu nhập của anh bao nhiêu? Tôi nói khoảng 6 - 7 triệu một tháng thì bĩu môi ra “thế mà anh cũng làm!”.

Đến khi ra trường, những người này thường mơ mộng quá chớn. Nghĩ mình học trường hoành tráng như thế mà phải đi làm công việc “lìu tìu” thì không xứng. Do vậy “cố sống cố chết” ứng tuyển vào các vị trí quan trọng ở các công ty lớn chứ nhất quyết không chịu làm “anh nhân viên tiếp thị hàng”.

Rồi cả năm sau ở nhà nằm dài vì không công ty nào nhận. Có người xin cho đi làm nhân viên thị trường thì vẫn chê “đại học ra mặt mũi nào đi làm công việc ấy”.

Đấy là chưa kể có nhiều sinh viên ra trường chẳng viết nổi một CV cho ra hồn, trình bày thì sơ sài, cẩu thả, dùng ngôn ngữ chat, sử dụng các email thiếu nghiêm túc như conangdangyeu@…; langtucaonguyen@… ; kedautinh@… Nhiều bạn đến phỏng vấn thì lại không đúng giờ và thiếu những sự chuẩn bị cần thiết. Tôi nói thật, nếu tôi là nhà tuyển dụng, tôi cũng chẳng bao giờ thèm để mắt đến các bạn.

Các bạn ạ! Khi ra trường, nếu chưa tìm được một công việc phù hợp với chuyên môn thì tạm thời cứ làm những công việc khác, miễn sao kiếm ra tiền hợp pháp để nuôi sống bản thân. Và như tôi đã nói ở trên, dù bạn làm ở bất kỳ chỗ nào, công việc gì thì bạn cũng sẽ có thêm những mối quan hệ và trau dồi thêm kỹ năng ứng xử. Đó là hành trang để cho bạn đến với những công việc tốt hơn.

Còn dĩ nhiên, ai không muốn “xấu mặt với bạn bè” thì chịu khó chấp nhận ở nhà làm "thằng ăn bám". 

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang