Kinh doanh, phát tán ebook có thể bị xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ

author 11:00 11/12/2015

(VietQ.vn) - Bạn đọc hỏi: “Trên mạng Internet hiện nay, các dạng sách điện tử (ebook) đang được phát tán tràn lan. Vậy, hành vi phát tán, trục lợi từ ebook lậu có bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ?”

Sự kiện: SỞ HỮU TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Trả lời:

Hiện nay, ngoài vấn nạn sách giả, sách lậu in bằng giấy, các đơn vị xuất bản trong nước còn phải đau đầu chịu sự tấn công của một loại hình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mới: sách điện tử lậu (ebook) lậu tràn lan trên mạng Internet. Nếu mở trang công cụ tìm kiếm Google ra gõ dòng chữ “vi phạm bản quyền sách điện tử”, sẽ có được khoảng 4.820.000 kết quả trong vòng 0,37 giây trên phạm vi toàn cầu, còn nếu thêm cụm từ “ở Việt Nam” vào nữa thì có khoảng 1.400.000 kết quả trong vòng 0,29 giây, có chứa nội dung trên. Điều ấy chứng tỏ sự vi phạm bản quyền sách điện tử là một thực trạng nhức nhối.

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng cách kinh doanh, phát tán ebook lậu đang là một trong những vấn nạn ở Việt Nam

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng cách kinh doanh, phát tán ebook lậu đang là một trong những vấn nạn ở Việt Nam

Có những trang mạng núp dưới danh nghĩa chia sẻ tri thức cho những người yêu sách để vi phạm sở hữu trí tuệ về bản quyền. Tuy nhiên, khác với việc truy bắt sách giả, sách in lậu tuy khó khăn và mất nhiều thời gian nhưng vẫn bắt được thủ phạm cụ thể cùng các tang chứng, vật chứng rành rành là hàng đống sách giấy ngồn ngộn trong các xưởng in và nhà sách tư nhân, thủ phạm của các trang web ebook lậu lại luôn giấu mặt và thường là một tập thể ảo đang tung hoành trên mạng.

Tính trung bình, chi phí sản xuất một đầu sách trọn gói hiện nay từ 80.000 - 100.000 triệu VND (tiền mua bản quyền, tiền dịch, tiền xin giấy phép, biên tập, in ấn, PR truyền thông…) và công đoạn sản xuất 1 cuốn sách mất trung bình 6 tháng (1 tháng tìm kiếm sách, tìm mua bản quyền, làm hợp đồng bản quyền, 3 tháng dịch, 1 tháng biên tập, dàn trang, thiết kế, xin giấy phép, hơn 15 ngày in ấn, quảng bá sách)... nhưng sau khi có sách giấy, việc làm ebook tung lên mạng chỉ mất vẻn vẹn vài ngày.

Với việc phát tán rộng rãi các các ebook trên, đơn vị làm sách bị thất thu nặng với số lượng độc giả mua sách giấy bị co hẹp. Chưa kể nguồn thu từ các khoản ebook trên các công cụ đọc sách điện tử hiện đại hiện nay như Ipad, Kindle, đọc trên điện thoại… cũng bị mất trắng. Đồng thời, các nhà xuất bản cũng phải ‘ngậm đắng nuốt cay’ chịu cảnh bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trắng trợn mà không bắt được thủ phạm cụ thể.

Các nhà xuất bản mỗi năm phải chịu thiệt hại nghiêm trọng vì bị vi phạm sở hữu trí tuệ do nạn ebook lậu

Các nhà xuất bản mỗi năm phải chịu thiệt hại nghiêm trọng vì bị vi phạm sở hữu trí tuệ do nạn ebook lậu

Bàn về vấn đề này, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết hiện Việt Nam đã là thành viên của một số công ước, hiệp ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và đã tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định song phương và đa phương. Do đó, ông Hùng cho rằng về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng quy định về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng cũng có những quy định trong TPP hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể.

Đặc biệt, quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP không dựa vào việc liệu hành vi vi phạm có cố ý hay có quy mô thương mại hay không như quy định hiện nay của Việt Nam. Liên quan đến điều này, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, hiện nay tất cả các vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn đang được xử lý bằng xử phạt hành chính. Nhưng khi tham gia TPP thì phải xử lý hình sự. Tùy theo mức độ của các hành vi vi phạm sẽ có biện pháp hành chính, cảnh cáo, phạt tù tương ứng.

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, sở hữu trí tuệ là vấn đề trọng đại khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại. Việt Nam sẽ rất khó thu hút đầu tư nước ngoài khi tham gia TPP nếu vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ dù lớn hay nhỏ không được xử lý nghiêm. Đây còn là bước tiến lớn để bảo vệ chính các sáng chế, phát minh, các tác phẩm văn học nghệ thuật trong nước.

Theo các chuyên gia, việc kinh doanh, phát tán sách điện tử lậu cũng bị coi là vi phạm sở hữu trí tuệ

Theo các chuyên gia, việc kinh doanh, phát tán sách điện tử lậu cũng bị coi là vi phạm sở hữu trí tuệ

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đám phán TPP, việc cho phép xử lý hình sự các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là cách tiếp cận đi xa hơn cách tiếp cận trong WTO, chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính.

Như vậy, sau này khi thực hiện TPP, những hành vi như xâm phạm thông tin quản lý quyền, công nghệ, xâm phạm tín hiệu vệ tinh, vào rạp phim quay camera, mua băng đĩa lậu, tiêu thụ sách lậu, kinh doanh và phát tán ebook lậu… mà có gây hại cho chủ thể sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan, hay những hành vi vi phạm quyền sở hữu trị tuệ dù không thu lợi, không vì mục đích kinh doanh nhưng gây thiệt hại đáng kể cho chủ thể quyền thì vẫn có thể bị xem xét truy cứu hình sự.

Tuyết Trinh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang