Đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc trưng, OCOP

author 16:29 04/11/2022

(VietQ.vn) -Theo Sở Công Thương Sóc Trăng, trong giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh có nhiều định hướng phát triển thương mại dịch vụ, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, trong đó nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo thương hiệu.

Theo Sở Công Thương Sóc Trăng, nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại; kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của tỉnh ra thị trường ngoài tỉnh đã được triển khai; các sản phẩm chủ lực, thế mạnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng điều kiện cần thiết để đưa vào tiêu thụ tại các thị trường, kênh phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, tính đến nay toàn tỉnh có 174 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 29 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 144 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như bánh pía, bánh phồng tôm, bưởi năm roi, bưởi da xanh, vú sữa tím. Đặc biệt là Gạo ST25 của Sóc Trăng (doanh nghiệp Hồ Quang tại huyện Mỹ Xuyên) đã được công nhận là "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019".

Sóc Trăng đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc trưng, OCOP. Ảnh: Báo Công Thương 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song hoạt động xúc tiến thương mại của Sóc Trăng còn rất thấp so với nhu cầu. Đại diện Sở Công Thươngcho hay, trong thời gian tới, để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm tại thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu, Sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, thế mạnh, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương tạo kênh thông tin chuyên nghiệp, ổn định để trao đổi, chia sẻ thông tin thị trường; kịp thời thông tin các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại của Trung ương và tỉnh; các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường trong và ngoài nước, nhằm giúp cho doanh nghiệp tỉnh tạo thế chủ động, nâng cao nâng lực cạnh tranh.

Tổ chức, tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, ưu tiên sản phẩm OCOP, hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap,... vào các thị trường trọng điểm trong nước và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của tỉnh được gặp gỡ các hệ thống phân phối, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhà mua hàng trong nước và quốc tế.

 Các sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thuộc các lĩnh vực đạt tiêu chuẩn chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… trên sàn thương mại điện tử.

 
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Cùng với đó, trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương của tỉnh Sóc Trăng theo chuỗi giá trị do các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân thực hiện với mục tiêu của chương trình là nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng Trần Hoàng Dũng, chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Đồng thời, nhiều sản phẩm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu của địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của tỉnh như: gạo các loại, cây ăn trái, bánh pía, lạp xưởng, trà mãng cầu. Sau khi tham gia Chương trình OCOP, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm OCOP được tăng lên từ 10 - 40%, có sản phẩm tăng lên đến 400% (điển hình như các sản phẩm mật ong xanh, mắm cua gạch, khô trâu Sáu Sành...). Từ đó, doanh số bán hàng, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên.

Theo đó, sản phẩm OCOP đã từng bước tham gia thị trường với vị thế của sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP dần trở thành dấu hiệu nhận diện trên cả khía cạnh chính sách và khía cạnh sản phẩm đối với người tiêu dùng. Nhiều kênh phân phối như BigC, Vinmart, Saigon Co.op, cùng với hệ thống các sàn thương mại điện tử như PostMart, Lazada... đã được các chủ thể OCOP tiếp cận và chủ động tham gia tích cực.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang