‘Soi’ chất lượng tín dụng TPBank, nhiều điểm bất thường 'lộ sáng'

author 15:33 23/07/2020

(VietQ.vn) - Dù lợi nhuận đẹp mắt nhưng nhìn vào chi phí, nợ xấu... không ít cổ đông phải đặt dấu chấm hỏi về chất lượng tín dụng, khả năng quản trị dòng tiền của Ngân hàng TPBank?

Chất lượng tín dụng của TPBank có thực sự ổn định?

Trong kinh doanh, mục tiêu cuối cùng mỗi doanh nghiệp cần phải đạt được chính là doanh thu, lợi nhuận thực tế. Để đạt được kỳ vọng, vấn đề quản trị dòng tiền, quản lý doanh nghiệp luôn phải đặt lên hàng đầu.

Quản trị dòng tiền đóng vai trò quan trọng, bởi nó quyết định trực tiếp tới sự sống còn của doanh nghiệp. Đơn giản như việc thiếu hụt tiền mặt, nếu đến nợ phải trả cho ngân hàng, nhà cung cấp mà không trả được thì doanh nghiệp đó sẽ đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý.

Để kinh doanh hiệu quả, ngoài vấn đề tài chính, yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo. Bởi nếu người đứng đầu không biết quản lý, điều hành, thậm chí liên tục vướng phải lùm xùm, kiện cáo ắt hẳn sẽ chẳng thể nào đảm bảo vai trò “đứng mũi chịu xào” giúp con thuyền doanh nghiệp đi lên.

Quay trở lại câu chuyện của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank; TPB), từ lâu không ít người đã đặt dấu hỏi về chuyện quản lý dòng tiền, quản trị doanh nghiệp tại nhà băng này. Đằng sau bức tranh tài chính tương đối đẹp mắt được nhà băng này công bố có những rủi ro gì tiềm ẩn?

Nhìn vào báo cáo tài chính quý I/2020, dù TPBank ghi nhận lợi sau thuế đạt 809,2 tỷ đồng, tăng hơn 127 tỷ đồng so với cùng kỳ nhưng các khoản liên quan đến chi phí, nợ xấu, khả năng lưu chuyển tiền... không được ổn định. 3 tháng đầu năm 2020, TPB ghi nhận chi phí lãi và các chi phí tương tự âm hơn 1.755 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với cùng kỳ năm trước; chi phí hoạt động dịch vụ ghi nhận âm 134 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước (âm 58 tỷ đồng); chi phí dự phòng rủi ro tín dụng âm hơn 324 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước; chi phí hoạt động âm hơn 1.095 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ so với cùng kỳ; chi phí thuế thu nhập tạm tính âm hơn 200 tỷ đồng.

Chưa kể, nhìn vào báo cáo tài chính của TPBank có thể thấy các khoản nợ của nhà băng này vẫn khá nhức nhối. Về tình hình chất lượng nợ cho vay, tính đến 31/3/2020, nợ đủ tiêu chuẩn là 95.957 tỷ đồng; tăng hơn 3.000 tỷ so với cuối năm 2019; nợ cần chú ý là 2.667 tỷ đồng, tăng hơn 7000 tỷ so với năm 2019; nợ dưới tiêu chuẩn là hơn 775 tỷ đồng (tăng 61%); nợ nghi ngờ hơn 500 tỷ đồng (tăng 63,9%), nợ có khả năng mất vốn là 607 tỷ đồng (tăng 35,5%). Nhìn chung, các khoản nợ cho vay của TPBank có xu hướng tăng lên so với cuối năm 2019.

Về dư  nợ theo thời gian, nợ ngắn hạn lên đến hơn 27.337 tỷ đồng; nợ trung hạn hơn 26.103 tỷ đồng và nợ dài hạn là hơn 47.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm, nợ xấu của TPBank tăng mạnh 53% so với thời điểm cuối năm 2019. Nợ xấu tăng kéo theo việc chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng này tăng 109%.

Tính tới thời điểm 31/3/2020, theo Báo cáo tài chính quý I/2020, tổng nợ xấu tăng từ hơn 1.235 tỷ đồng lên khoảng 1.883 tỷ đồng. Chính vì nợ xấu tăng mạnh mà TPBank phải đem tài sản ra bán đấu giá. Cụ thể, 5 chiếc ô tô được đem ra bán đấu giá gồm: 1 xe ôtô nhãn hiệu Toyota Vios E có giá khởi điểm 381,3 triệu đồng; 1 ôtô Ford có giá khởi điểm 502,5 triệu đồng; 1 ôtô KIA Thaco Frontier với giá khởi điểm là 269,5 triệu đồng; 1 ôtô Chevrolet Aveo có giá khởi điểm 207,7 triệu đồng và 1 xe ôtô Chevrolet Colorado với giá khởi điểm 393,1 triệu đồng.

Về chất lượng sử dụng nguồn tiền của TPBank cũng gặp vấn đề khi ghi nhận nhiều con số âm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm hơn 4.360 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 112 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm hơn 3.846 tỷ đồng…

Nhìn vào những con số trên, có thể thấy dù doanh thu, lợi nhuận tăng nhưng chất lượng tín dụng, khả năng quản lý dòng tiền của nhà băng này có thực sự ổn định? Và trách nhiệm của những người đứng đầu ra sao khi cầm trong tay những khoản tiền lớn của các nhà đầu tư?

 Nợ xấu TPBank tăng mạnh trong quý I/2020

Những dự án tai tiếng 

Như bao ngân hàng khác, TPBank cũng tham gia hoạt động cho vay, bảo lãnh các dự án bất động sản. Tuy nhiên, không ít số tiền mắc kẹt trong các dự án, thậm chí khách hàng còn kéo tới trụ sở để đòi quyền lợi. Những thông tin chẳng mấy "hay ho" này một lần nữa khiến ban lãnh đạo phải đau đầu, nhà đầu tư phải đặt dấu chấm hỏi về vấn đề quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn của nhà băng này.

Hẳn dư luận còn nhớ câu chuyện xảy ra hồi tháng 6/2019, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Eco Green Tower, số 1 Giáp Nhị (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) tập trung trước trụ sở TPBank mang theo nhiều băng rôn yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình. Nguyên nhân do khách hàng đã đóng tiền để mua căn hộ chung cư tại dự án Eco Green Tower, số 1 Giáp Nhị, quận Hoàng Mai do Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 (Sông Đà 1.01) làm chủ đầu tư. Khi ký kết hợp đồng mua căn hộ, Sông Đà 1.01 có thông tin cho khách hàng về việc TPBank tài trợ vốn trên cơ sở Hợp đồng cấp tín dụng hạn mức số 75-04.16/HMBL/TBBANK/TTKD.HO ngày 21/11/2016 và thông báo phát hành bảo lãnh cho Sông Đà 1.01 tại Văn bản số 68/2016/CV/TPB-TTKDHO ngày 22/11/2016.

Theo hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà theo dự kiến là đầu tháng 2/2018 và không chậm quá 90 ngày. Nếu bên bán vi phạm hợp đồng (bàn giao không đúng tiến độ) thì bên bán phải trả cho bên mua lãi suất quá hạn. Sau 180 ngày kể từ thời điểm dự kiến bàn giao mà bên bán không bàn giao được thì bên mua có quyền đề nghị chấm dứt hợp đồng, bên bán phải hoàn tiền mua căn hộ cho bên mua và bị phạt vi phạm 10% giá trị căn hộ. Thế nhưng sau đó, bất đắc dĩ, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án đã phải kéo đến trụ sở TPBank để đòi quyền lợi vì bỏ tiền ra nhưng chưa nhận được nhà, trong khi vẫn phải oằn mình trả lãi ngân hàng.

Ngoài dự án Eco Green Tower, dự án Amber Riverside 622 Minh Khai (Hà Nội) cũng đang được TPBank chi nhánh Thanh Xuân bảo lãnh với nội dung cụ thể ghi trong biên bản là “Đảm bảo bàn giao nhà đúng tiến độ theo hợp đồng mua bán của dự án với bên mua/thuê”.

Được biết, dự án Amber Riverside do Công ty cổ phần tập đoàn Telin làm chủ đầu tư, quy mô 23 tầng nổi và 3 tầng hầm. Tuy nhiên, theo phản ánh trước đó, dự án này cũng vướng lùm xùm khi chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã có cả trăm hộ dân vào ở khiến nhiều cư dân lo lắng có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào nếu sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, TPBank cũng là đơn vị ký Hợp tác bảo lãnh dự án chung cư AnLand (Dương Nội) cùng Tập đoàn Nam Cường. Nội dung ký kết là thỏa thuận hợp tác toàn diện về việc cung cấp các dịch vụ tài chính và bảo lãnh người mua nhà cho dự án Khu hỗn hợp Trung tâm TMDV và Nhà ở tại Dương Nội, Hà Đông.

Dự án này cũng vướng nhiều bê bối khi mới đây, cư dân có đơn kiến nghị gửi đến chủ đầu tư, yêu cầu nhanh chóng khắc phục các bất cập như: Không có đường giao thông cho các phương tiện đi ra đường Tố Hữu theo thiết kế ban đầu; tầng hầm của chung cư, đặc biệt là hầm B2 rất bí và có mùi hôi thối; đặc biệt, dự án được quảng cáo là cao cấp nhưng lại thiếu trầm trọng những dịch vụ như: siêu thị, thang máy đi lại có hệ thống không khí rất kém, gây ngột ngạt, khó thở; nơi để xe dưới tầng hầm lộn xộn, thiếu khoa học dẫn tới việc gửi - lấy xe gặp khó khăn; lối lên xuống tầng B1, B2 chật hẹp, có gờ bê tông làm che khuất tầm nhìn gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện. 

Kẻ xấu mạo danh mở tài khoản TPBank để lừa tiền

Cũng liên quan đến hoạt động của nhà băng này, cách đây chưa lâu, báo chí phản ánh về trường hợp khách hàng bị kẻ xấu mạo danh mở tài khoản tại TPBank rút 30 triệu đồng. Thậm chí có trường hợp không hề giao dịch mà vẫn nhận được email thông báo mở tài khoản thành công tại TPBank.

Cụ thể, theo thông tin đăng tải trên báo chí, chị N.T.T. (đề nghị giấu tên) cho biết, tài khoản Facebook của chị bị hacker tấn công. Kẻ gian lừa người quen của chị chuyển tiền vào tài khoản TPBank mang tên chị nhưng do kẻ gian đăng ký thành công. Chị N.TT. đặt nghi vấn, có khả năng đã bị kẻ xấu lấy cắp thông tin trên căn cước công dân rồi thực hiện mở thẻ ngân hàng của TPBank (loại thẻ trả trước vô danh).

Theo phản ánh, ngày 23/6/2020, có 2 giao dịch chuyển tiền vào tài khoản của N.T.T với tổng trị giá 30 triệu đồng (trong đó một giao dịch chuyển tiền từ tài khoản T.T là 10 triệu đồng và giao dịch còn lại 20 triệu đồng). Sau khi lừa được người quen của chị T chuyển tiền, đối tượng lừa đảo thực hiện 10 giao dịch thanh toán qua VNPAY. Toàn bộ số tiền 30 triệu đồng được chuyển vào tài khoản mang tên chị T. trước đó đã bị rút sạch.

Không chỉ có trường hợp chị T., theo thông tin được báo giới đăng tải, một số trường hợp khách hàng không hề đăng kí mở thẻ thanh toán tại TPBank nhưng lại bất ngờ nhận được email thông báo mở tài khoản thành công. Anh H.U. (giấu tên theo yêu cầu) cho biết: “Tôi không đăng kí mở tài khoản thẻ thanh toán nhưng đột nhiên TPBank gửi email thông báo mở tài khoản thành công. Tôi nghĩ kẻ xấu dùng thông tin cá nhân của tôi mở thẻ ngân hàng để tiêu tiền rồi bắt tôi trả nợ hoặc có thể nhân viên ngân hàng thiếu doanh số nên mở thẻ?”.

Sự lỏng lẻo trong khâu tra soát thông tin khách hàng khi mở thẻ tại TPBank đang là dấu hỏi lớn. Đặc biệt trong bối cảnh ngân hàng này đang nỗ lực phát triển các kênh ngân hàng tự động LiveBank, được TPBank tự quảng cáo là “bảo đảm an toàn, bảo mật cho khách hàng".

Lãnh đạo từng bị “bêu tên” trước tòa vì dính dáng đến nhiều sai phạm

Ở TPBank, chuyện "củi lửa" ở các vị trí lãnh đạo không phải hiếm. Trong đại án siêu lừa Huyền Như (một cán bộ Viettinbank), một cái tên của TPBank được nhắc đến chính là bà Lê Thị Thanh Phương (SN 1978) - Giám đốc Khối nguồn vốn của TPBank; Hay Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984) - Phó giám đốc chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng TPBank chi nhánh Phạm Hùng.

Một trường hợp khác - sự việc Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú và Tổng giám đốc Nguyễn Hưng bị bêu tên trong đại án liên quan đến Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và đồng phạm đã thông qua việc vay vốn tại TPBank có tài sản đảm bảo là chính tiền gửi liên ngân hàng của VNCB tại TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỷ đồng. Tài liệu chứng cứ trong hồ sơ đủ cơ sở xác định ông Phạm Công Danh là chủ mưu và 20 bị can là đồng phạm giúp sức cho ông Danh về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Đối với những người liên quan, Cơ quan điều tra đánh giá Hội đồng tín dụng và Ủy ban tín dụng TPBank gồm ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT TPBank), ông Nguyễn Hưng (Tổng giám đốc TPBank), các ông Phạm Đông Anh, ông Khúc Văn Họa, ông Lê Hồng Nam, ông Nguyễn Hồng Quân (đều là Phó Tổng giám đốc TPBank) là các thành viên Hội đồng tín dụng, Ủy ban tín dụng khi phê duyệt hồ sơ vay thực hiện chưa đầy đủ quy định.

Việc TPBank liên tiếp dính đến những vụ án chấn động, trong đó hệ thống quản trị rủi ro yếu kém, vi phạm cho vay... đã khiến ngân hàng bị thiệt hại nặng nề. Đáng nói, nhiều cán bộ đã lợi dụng kẽ hở hệ thống để chiếm đoạt tiền gửi, vốn giá trị lớn. Kết luận bổ sung của Ngân hàng Nhà nước về sai phạm của TP.Bank cho hay, TPBank quyết định cho vay hơn 1.700 tỷ đồng nhưng không thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá năng lực tài chính xác định tính khả thi, hiệu quả các phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của 11 công ty.

Tương tự, TPBank nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh và cho vay cũng như bên bảo lãnh (VNCB) chưa thực hiện bảo đảm tiền vay.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang