Cảnh báo việc dùng sai thuốc điều trị có thể bị sốc sốt xuất huyết, đe dọa tính mạng
Cảnh báo tử vong do sốt xuất huyết
Bộ Y tế cấp phép vaccine sốt xuất huyết, zona thần kinh và phế cầu 23
11 tháng năm 2023 quỹ BHYT đã chi trả 152,6 tỷ đồng chi phí điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Một trường hợp điển hình là bé N.H.M.P 10 tuổi, em sốt cao kèm theo nôn ói, đau bụng, mẹ bé đến nhà thuốc mua thuốc cho bé uống 2 ngày, nhận thấy bé còn sốt và nhức đầu, mẹ đến nhà thuốc khác mua thêm 2 ngày.
Sau đó bé mệt nhiều nên mẹ đưa đến nhập viện tại khoa Hồi sức Cấp cứu- Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ trong tình trạng vã mồ hôi, tay chân lạnh, mạch nhẹ, và huyết áp tụt kẹp 90/70 mmHg, chấm xuất huyết rải rác ở chân và tiểu ít.
Sau hỏi bệnh sử và xét nghiệm khẩn Hct máu của bé là 48% và tiểu cầu 29000/mm3, bé được chẩn đoán là sốc sốt xuất huyết Dengue cuối ngày 5, ngay lập tức em được truyền dịch chống sốc theo phác đồ Bộ Y tế và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực để điều trị.
Tại khoa Hồi sức, em được tiếp tục truyền dịch chống sốc và theo dõi huyết áp liên tục, xét nghiệm máu em có tăng men gan, siêu âm ổ bụng gan to, dầy thành túi mật và tràn dịch màng phổi phải, màng bụng. Sau 30 giờ điều trị em tươi tỉnh hơn, hết nhức đầu và đau bụng, xét nghiệm máu cũng dần ổn định nên em đã được ngưng dịch.
Theo các bác sĩ, hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp. Nếu không được chẩn đoán sốt xuất huyết sớm và xử trí kịp thời có thể gây tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng. Phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng sẽ giúp việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết hiệu quả hơn.
Nhiều phụ huynh còn chủ quan khi nghi ngờ mắc bệnh, tự ý mua thuốc uống mà không đến cơ sở y tế khám và điều trị. Hành động này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng.
Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, vì chưa xác định chính xác biểu hiện sốt là do bệnh gì nên không được tự ý sử dụng các thuốc hạ nhiệt, nhất là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng xuất huyết ở bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, có khả năng xảy ra xuất huyết dạ dày dữ dội, đe dọa đến tính mạng.
Sốt là phản ứng tốt của cơ thể chống lại virus. Nhưng nhiều bệnh nhân có biểu hiện sốt cao lại tìm mọi cách hạ sốt cấp tốc về nhiệt độ bình thường, đặc biệt là trẻ em. Do đó, tình trạng lạm dụng paracetamol, dùng quá liều thuốc liên tục sẽ dẫn tới ngộ độc gan và làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, kể cả khi dùng dạng thuốc đặt hậu môn ở trẻ em. Ngoài ra, nhiều người cứ thấy sốt là tự ý mua thuốc kháng sinh sử dụng, nhưng đối với bệnh sốt do virus gây ra như sốt xuất huyết, dùng kháng sinh không có ý nghĩa và không giúp lành bệnh.
Đặc biệt với vấn đề bù dịch, tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có nguy cơ dẫn đến phù nề, suy hô hấp, sốc dị ứng, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, nhiều người cứ thấy sốt là mua kháng sinh sử dụng, nhưng đối với bệnh sốt do vi rút như sốt xuất huyết, dùng kháng sinh sẽ không thể khỏi bệnh.
Thông tư 07/2017/TT-BYT bản hành danh mục thuốc không kê đơn
Thông tư này do Bộ Y tế ban hành quy định nguyên tắc xây dựng, tiêu chí lựa chọn thuốc không kê đơn; Danh mục thuốc không kê đơn; mục đích ban hành và trách nhiệm thực hiện.
Thuốc được xem xét lựa chọn vào Danh mục thuốc không kê đơn khi đáp ứng các tiêu chí: Thuốc có độc tính thấp, trong quá trình bảo quản và khi vào trong cơ thể người không tạo ra các sản phẩm phân hủy có độc tính, không có những phản ứng có hại nghiêm trọng đã được biết hoặc được Tổ chức Y tế thế giới, cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài khuyến cáo có phản ứng có hại dẫn đến một trong những hậu quả như: Tử vong; Đe dọa tính mạng; Buộc người bệnh phải nhập viện để điều trị hoặc kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh; Để lại di chứng nặng nề hoặc vĩnh viễn cho người bệnh; Gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi; Bất kỳ phản ứng có hại khác gây hậu quả nghiêm trọng về mặt lâm sàng cho người bệnh do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đánh giá, nhận định.
Thuốc có phạm vi liều dùng rộng, an toàn cho các nhóm tuổi, ít có ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cần theo dõi lâm sàng; Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh không phải là bệnh nghiêm trọng và người bệnh có thể tự điều trị, không nhất thiết phải có sự kê đơn và theo dõi của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
Đường dùng, dạng thuốc đơn giản mà người sử dụng có thể tự dùng (chủ yếu là đường uống, dùng ngoài da) với hàm lượng, nồng độ thích hợp cho việc tự điều trị; Thuốc ít tương tác với các thuốc khác và thức ăn, đồ uống thông dụng; Thuốc ít có khả năng gây tình trạng lệ thuộc; Thuốc ít có nguy cơ bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người sử dụng; Thuốc đã có thời gian lưu hành tại Việt Nam tối thiểu từ 05 năm trở lên.
An Dương