Sử dụng thảo dược và châm cứu trong điều trị COVID-19 hiệu quả

author 06:37 20/08/2021

(VietQ.vn) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp trên thế giới ngoài các loại thuốc đã được sử dụng các nhà khoa học cũng đã tìm liệu pháp cổ truyền, thảo dược, kể cả châm cứu để điều trị Covid-19.

Ngoài tân dược hiện đại, nhiều nhà khoa học, bác sĩ cũng nỗ lực tìm cách phối hợp điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng liệu pháp cổ truyền, thảo dược, kể cả châm cứu..

Úc sử dụng cây thì là đen

Mới đây, 3 nhà nghiên cứu ở Đại học Công nghệ Sydney (Úc) khẳng định cây thì là đen có thể điều trị COVID-19. Bài nghiên cứu "Vai trò của thymoquinone, hoạt chất chính của cây thì là đen trong điều trị các bệnh viêm nhiễm" đã được công bố trên tạp chí Clinical and Experimental Pharmacology and Physiology ngày 23/7/2021.

Các nghiên cứu mô hình đã chứng minh hoạt chất thymoquinone có thể bám vào protein gai virus SARS-CoV-2 và ngăn virus gây nhiễm trùng phổi, đồng thời ngăn chặn bão cytokine nơi bệnh nhân COVID-19 nặng nằm viện. Trước đó, cây thì là đen đã chứng minh tác dụng trong điều trị huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường.

Trong điều trị chống viêm, cây thì là đen đạt hiệu quả điều trị các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang, chàm, viêm xương khớp và động kinh trẻ em. Cây này còn có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn như tụ cầu vàng và các virus như cúm qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

 Nhiều quốc gia sử dụng thảo dược trong điều trị COVID-19

Trung Quốc điều trị COVID-19 bằng thảo dược liên hoa thanh ôn kết hợp châm cứu 

Từ đầu đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã sử dụng thuốc y học dân tộc. Một ví dụ được nêu trong bài nghiên cứu "Phục hồi bệnh nhân COVID-19 nặng bằng châm cứu và thảo dược Trung Quốc bổ trợ cho chế độ chăm sóc tiêu chuẩn" của nhóm nghiên cứu ở Đại học Trung Y dược Quảng Châu đăng trên trang web ScienceDirect tháng 6/2021.

Theo đó một bà cụ 81 tuổi bị sốt ngày 24/1/2020. Thân nhiệt lên đến 39,3°C với các triệu chứng ớn lạnh vừa phải, ho khan, khó thở, khô miệng, giảm vị giác, kém ăn, mệt mỏi kèm nhức mỏi và khó chịu chung. Bà được đưa vào Bệnh viện quận Vũ Xương ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc).

Kết quả chụp CT ngực cho thấy có bất thường hai bên phổi với ghi nhận "viêm phổi do virus". Chẩn đoán lâm sàng xác định "viêm phổi do virus corona mới" (sau gọi là COVID-19).

Các bác sĩ đã áp dụng phương pháp điều trị tích hợp gồm thuốc kháng sinh norfloxacin và moxifloxacin, thuốc kháng virus chống cúm oseltamivir và thảo dược liên hoa thanh ôn. Kết quả xét nghiệm PCR xác định bà cụ dương tính với virus SARS-CoV-2.

Sau đó, bệnh nhân được dùng thêm thuốc kháng virus Arbidol. Do bệnh tình không thuyên giảm, bà cụ đã được chuyển đến Bệnh viện Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán.

Bà cụ có biểu hiện khó thở nhiều, tức ngực, ho có đàm nhẹ, môi và móng tay tím tái, mệt mỏi, chán ăn, ngủ không ngon, miệng khô có vị đắng nhưng không sốt, tiêu tiểu bình thường. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 giai đoạn nặng kèm suy hô hấp.

Song song với thở oxy lưu lượng cao qua mặt nạ và dùng thuốc kháng sinh, các bác sĩ đã điều trị bằng châm cứu hằng ngày, đồng thời dùng các chế phẩm thảo dược Fuzheng Jiufei dạng cốm và Xuebijing dạng tiêm (XBJ) để hỗ trợ điều trị.

Đến ngày thứ 19, bệnh nhân có tinh thần tốt, không sốt, ho, đờm, nhưng còn khó thở nhẹ sau khi hoạt động, khô miệng nhẹ, có vị đắng. Tình trạng mệt mỏi được cải thiện, giấc ngủ và tiêu tiểu bình thường. Liệu pháp oxy được giảm xuống thở oxy qua ống thông mũi. Căn cứ các triệu chứng đã giảm, điều trị bằng châm cứu được giảm xuống cách nhật. Đến ngày thứ 24, bà cụ được cho xuất viện.

Nhóm nghiên cứu Đại học Trung Y dược Quảng Châu nhận xét châm cứu đã giúp giảm khó thở, tăng SpO2 (nồng độ oxy trong máu), giảm nhịp tim cao, giúp bình tĩnh hơn và có tác dụng chống viêm.

Đối với thảo dược, XBJ đã góp phần giảm nhiễm trùng huyết, cải thiện chức năng các cơ quan và giảm tiên lượng xấu, trong khi Fuzheng Jiufei là thảo dược cơ bản cần được sử dụng khi phổi bị nhiễm trùng nặng và không hấp thu tốt.

Nhóm nghiên cứu nhận xét với vai trò hỗ trợ điều trị của châm cứu và thảo dược, mức độ hấp thu của phổi tốt hơn nhiều, hầu hết triệu chứng đã biến mất sau khi tăng gấp đôi liều thảo dược, ngoài ra không phát hiện tác dụng phụ nào đáng kể đối với máu, gan và thận. Tất nhiên, thời điểm này đây vẫn còn là nghiên cứu chưa đầy đủ.

Tại Campuchia vào giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế đã công bố phác đồ điều trị tại nhà cho người mắc bệnh COVID-19 có triệu chứng nhẹ, trong đó có nói đến vai trò hỗ trợ điều trị của thảo dược liên hoa thanh ôn.

Theo Bộ trưởng Y tế Mam Bun Heng, liên hoa thanh ôn có công dụng giúp hồi phục nhanh sau khi bị sổ mũi, ho, sốt và ngăn chặn các triệu chứng nặng bùng phát.

Ấn Độ sử dụng nhân sâm

Không chỉ Trung Quốc, một số quốc gia ở châu Á và châu Phi đã nghiên cứu sử dụng thảo dược để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tại Ấn Độ, báo The Times of India đã đăng câu chuyện gia đình ông K.K.Chaturvedi tự điều trị bằng y học Ayurveda.

Ayurveda là phương pháp chăm sóc sức khỏe cổ truyền lâu đời của Ấn Độ, chú trọng kết hợp cân bằng các yếu tố thể chất, tinh thần, trong đó ưu tiên sử dụng thảo mộc.

Đầu tháng 5/2021, hai vợ chồng ông Chaturvedi và ba người con đều mắc COVID-19. Trong bối cảnh bệnh viện quá tải, gia đình quyết định ở nhà áp dụng y học Ayurveda.

Sau 15 ngày mắc bệnh, họ đã lần lượt hồi phục. Một thành phần trong y học Ayurveda là Ashwagandha (tên khoa học Withania Somnifera), còn được gọi là nhân sâm Ấn Độ hoặc anh đào mùa đông Ấn Độ, có công dụng tăng cường năng lượng, giảm căng thẳng và củng cố hệ miễn dịch.

Cuối tháng 7/2021, Viện nghiên cứu Ayurveda toàn Ấn Độ đã ký biên bản ghi nhớ với Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London (Anh) để tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với thảo dược Ashwagandha nhằm giúp người mắc COVID-19 hồi phục.

Theo đó có khoảng 2.000 tình nguyện viên ở Anh (Leicester, Birmingham và London) sẽ tham gia cuộc thử nghiệm kéo dài 3 tháng. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ hợp tác với một tổ chức nước ngoài nghiên cứu hiệu quả của nhân sâm Ấn Độ đối với bệnh nhân COVID-19.

Các nước châu Phi sử dụng chế phẩm thảo dược Covilyce-1 và Corocur 

Các nước châu Phi cũng rất quan tâm khai thác kho tàng y học cổ truyền. Tại Uganda vào cuối tháng 6/2021, Cơ quan Quản lý dược phẩm quốc gia (NDA) đã phê duyệt Covidex có chức năng hỗ trợ kiểm soát các bệnh nhiễm do virus (không phải thuốc điều trị).

Chế phẩm Covidex kết hợp nhiều loại thảo dược có đặc tính kháng virus mà người dân từng sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm virus như sởi. Nhóm nghiên cứu của TS Alice Veronica Lamwaka ở Đại học Gulu đã phát triển chế phẩm Covilyce-1 có nguồn gốc thảo dược.

Theo nghiên cứu ban đầu, 100 bệnh nhân COVID-19 dùng chế phẩm đã hồi phục tốt. Ngoài ra, thảo dược UBV-01N do Viện Nghiên cứu hóa trị liệu phát triển cũng đang trong đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Tại Cameroon, chế phẩm thảo dược Corocur do bác sĩ Euloge Yiagnigni Mfopou phát triển đã được cấp phép lưu hành hồi tháng 7-2021. Corocur gồm bột khô cỏ xạ hương (Thymus vulgaris) được sử dụng như chất bổ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19. Đây là chế phẩm chống COVID-19 đầu tiên được phê duyệt tại Cameroon.

Thái Lan điều trị COVID-19 bằng thảo dược xuyên tâm liên 

Cục Y học cổ truyền và các liệu pháp thay thế Thái Lan thông báo, khoảng 300 người bị nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi sau 5 ngày sử dụng loại thảo dược có tên “fah talai jone” (tên khoa học “andrographis paniculata”; hay “xuyên tâm liên” hoặc “cây lá đắng” theo cách gọi ở Việt Nam).

Khẳng định “fah talai jone” an toàn khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, Cục phó Y học học cổ truyển và các liệu pháp thay thế Thái Lan, bác sĩ Kwanchai Wisitthanon dẫn chứng các số liệu nghiên cứu gần đây của Cục cho thấy, thảo dược fah talai jone có hiệu quả đối với những bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Được mệnh danh là “Vua của những vị đắng”, fah talai jone đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát trên khắp Thái Lan. Với hàm lượng andrographolide cao có thể tiêu diệt một số loại virus, loại thảo mộc này đã được sử dụng để chữa các bệnh như cảm cúm, đau họng và nhiễm trùng ở các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan trong nhiều thế kỷ.

Trước đó, một nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh học thuộc Bộ Y tế Thái Lan đã phát hiện, loại thảo dược này có thể tiêu diệt và ức chế virus corona trong các thí nghiệm ống nghiệm.

Để kiểm chứng mức độ hiệu quả của fah talai jone trong việc điều trị Covid-19, sáu tình nguyện viên đã tham gia vào cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trong nửa cuối năm 2020, dưới sự kiểm soát của Viện Nghiên cứu Y học cổ truyền Thái Lan.

Theo đó, tình nguyện viên với các triệu chứng nhẹ như đau họng, nhức đầu, ho hoặc sổ mũi sẽ nhận được 60mg andrographolide mỗi người vào lúc 6 giờ sáng, 2 giờ chiều và 10 giờ tối, hoặc tổng cộng 180mg andrographolide một ngày trong năm ngày. Lượng andrographolide cao gấp ba lần liều điều trị cảm cúm thông thường.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang