Sửa đổi Luật CLSPHH: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và thực hiện Nghị quyết của Chính phủ
Cân nhắc tổng kết thi hành các quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự
Sản phẩm ‘Cà phê mâm xôi’ thổi phồng công dụng giảm béo, lừa dối người tiêu dùng
Tác động tích cực của Luật CLSPHH đối với hệ thống pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Theo Bộ KH&CN, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước. Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030: Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; …đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.
Về hợp tác quốc tế: nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Cụ thể của các nội dung trên được nêu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 với những nội dung như: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới.
Ảnh minh hoạ
Các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ cũng đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường, trong đó “Đẩy mạnh phát triển thị trường hàng hoá, dịch vụ, gồm cả thị trường xuất, nhập khẩu, thị trường trong nước và biên mậu; phát triển hạ tầng thương mại. Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế. Phát triển mạnh các phương thức giao dịch thị trường hiện đại. Xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường phù hợp với yêu cầu trong nước và cam kết quốc tế, bảo vệ hợp lý thị trường trong nước, không để bị nước ngoài thâu tóm, thao túng”.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định rõ “Ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và đời sống. Tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống các chính sách để triển khai và phát triển các công nghệ mới. Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đề ra nhiệm vụ “Rà soát bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật để bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá phù hợp...”.
Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 đã xác định nhiệm vụ “Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công bố hợp chuẩn, công bố quy trình đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm”.
Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ “Chủ trì nghiên cứu đề xuất sửa đổi các luật quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” và tại Phụ lục của Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP đã chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải sửa đổi, bổ sung Luật CLSPHH và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Do đó, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật CLSPHH, cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật CLSPHH.
Hán Hiển