Sửa đổi Luật Dầu khí- Đòn bẩy quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp dầu khí phát triển bền vững
Dự án Luật Dầu khí sửa đổi - Mở rộng cánh cửa cho ngành dầu khí
Sửa đổi Luật Dầu khí - nhu cầu cấp thiết và quan trọng
Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi: Cần hướng đến huy động đầu tư, khai thác hiệu quả tài nguyên phục vụ lợi ích quốc gia
Sửa đổi Luật từ yêu cầu thực tiễn
Tại tọa đàm “Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí” được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tháng 8/2022, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Đỗ Chí Thanh cho biết, Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới.
Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ mét khối khí. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Petrovietnam đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, chiếm 18 - 25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, Petrovietnam đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước, giữ vững vai trò là trụ cột” của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.
Cùng với đó, ngành dầu khí còn đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển.
Tuy nhiên, thế giới đã có những thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, bao gồm dầu thô và khí đốt. Ở trong nước, môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí kém hấp dẫn. Số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới. Sản lượng khai thác dầu thô ở các mỏ truyền thống qua nhiều năm đã suy giảm tự nhiên. Các mỏ mới được phát hiện có trữ lượng không lớn, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp…
Thực tế này đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí trong giai đoạn tới. Vì vậy, Quốc hội đã nhất trí đưa Dự án Luật Dầu khí sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.
Dự thảo đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, và hiện Ban soạn thảo đang nỗ lực chỉnh sửa để dự kiến trình tại phiên họp tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến Dự án Luật Dầu khí sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Phó Trưởng Ban tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí (Petrovietnam) Phan Giang Long cho biết, Petrovietnam đã đề xuất 7 điểm hoàn thiện Dự án Luật Dầu khí sửa đổi, đó là: Hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí; Ngôn ngữ của hợp đồng dầu khí; Mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí; Thực hiện Quyền tham gia và quyền ưu tiên mua lại Quyền lợi tham gia trong Hợp đồng dầu khí; Quy định về các báo cáo ODP, EDP, FDP; Quy định về ưu đãi trong hoạt động dầu khí; Quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán.
Theo ông Phan Giang Long trong hoạt động điều tra cơ bản- khâu đầu tiên và quan trọng để tìm kiếm dòng dầu cho quốc gia. Quy định tại dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi quy định việc nộp mẫu vật, thông tin, dữ liệu kết quả điều tra cơ bản về dầu khí đã được phê duyệt về Bộ Công Thương; đồng thời nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dầu khí về Bộ TN&MT để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản. Tài liệu, mẫu vật và báo cáo kết quả điều tra cơ bản chỉ được giao nộp về Bộ Công Thương và Bộ TN&MT.
Nói về bất cập của quy định này, ông Phan Giang Long nhấn mạnh, Petrovietnam là đơn vị tìm kiếm, thăm dò để tiến tới khai thác dầu khí phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Nếu chỉ nộp dữ liệu điều tra cơ bản về hai bộ trên, có nghĩa Petrovietnam không được quản lý các tài liệu, mẫu vật và kết quả điều tra cơ bản.
Đến tham quan kho quản lý mẫu vật của Cửu Long JOC (Công ty liên doanh điều hành Cửu Long) mới thấy, rất nhiều mẫu vật được lấy lên từ những mũi khoan thăm dò địa chất đang được lưu giữ cẩn thận, và đã phục vụ hữu hiệu cho công tác khoan khai thác dầu khí.
Từ thực tế này, Tập đoàn Dầu khí đã đề xuất việc bổ sung quy định về việc Tập đoàn được quản lý các tài liệu, mẫu vật và kết quả điều tra cơ bản nhằm tạo điều kiện cho Petrovietnam trong công tác nghiên cứu chuyên sâu và xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
Sửa Luật toàn diện, không để khoảng trống pháp lý
Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí những năm gần đây gần như “giẫm chân tại chỗ”. Trong giai đoạn 2016-2020, Petrovietnam chỉ ký được 8 hợp đồng dầu khí mới, chưa bằng một phần ba so giai đoạn 2010-2015 khi ký 27 hợp đồng dầu khí mới.
Bên cạnh đó, mặc dù sản lượng khai thác dầu khí sụt giảm mạnh nhưng Petrovietnam lại không thể đưa các mỏ nhỏ, xa bờ, cận biện vào khai thác do không có cơ chế ưu đãi đúng mức.
TS Nguyễn Quốc Thập- Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị, đối với các mỏ dầu khí cận biên, bên cạnh các ưu đãi về tài chính theo chính sách ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư, có thể xem xét áp dụng các trình tự, thủ tục phê duyệt theo hướng rút gọn (chỉ định thầu, gộp một số bước trong quy trình phê duyệt để triển khai thực hiện để phù hợp với điều kiện thị trường…)
Cùng với đó, ngôn ngữ của hợp đồng dầu khí phải là tiếng Anh, bởi dầu khí là ngành kinh tế quốc tế, cần thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.
Ngoài ra, các dự án dầu khí thường triển khai xa bờ và cần rất nhiều các vật tư, dịch vụ dầu khí đi kèm nên trong một số trường hợp có thể phát sinh chi phí khi mất thời gian chờ cung cấp. Tất cả những đặc thù này cần phải phản ánh rõ trong Luật Dầu khí sửa đổi để tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài- TS Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) Hoàng Ngọc Trung cho rằng, để bảo đảm hoạt động khai thác được diễn ra liên tục mà không bị gián đoạn do vừa phải thực hiện thủ tục kết thúc hợp đồng dầu khí cũ và ký hợp đồng dầu khí mới, đặc biệt có những công việc cần phải triển khai ngay trong thời hạn của hợp đồng dầu khí cũ, mà không thể chờ đến khi ký mới; cần bổ sung thêm hình thức gia hạn hợp đồng dầu khí cũ, bên cạnh việc ký hợp đồng dầu khí mới.
Bên cạnh đó, Luật Dầu khí ban hành cần sớm đưa vào cuộc sống, thậm chí cần bao gồm các nội dung chi tiết để không cần các văn bản hướng dẫn dưới luật. Đặc biệt, với các hợp đồng dầu khí chuẩn bị hết hiệu lực nhưng vẫn còn tiềm năng phát triển, Luật Dầu khí cần có các quy định chi tiết về đầu tư để có thể duy trì sản lượng khai thác, góp phần gia tăng hệ số thu hồi dầu.
Nếu Luật Dầu khí mới được ban hành thì đây sẽ là động lực quan trọng, hành lang pháp lý cần thiết để PVEP có thể triển khai ngay 5 hợp đồng dầu khí mới và gia tăng trữ lượng để phục vụ khai thác dầu khí, ông Hoàng Ngọc Trung khẳng định.
Tại tọa đàm, TS Phan Đức Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã giải thích rõ việc sửa đổi Luật Dầu khí, và kỳ vọng khi được thông qua, Luật sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành dầu khí.
Theo TS Phan Đức Hiếu, Luật Dầu khí sửa đổi lần cuối là năm 2008. Đến nay, thực tiễn đã thay đổi rất nhiều, trong khi luật pháp chưa phát triển kịp, tạo ra khoảng trống về pháp lý. Do vậy, Luật Dầu khí sửa đổi năm 2022 này phải lấp đầy được khoảng trống pháp lý đó.
“Luật Dầu khí có 3 điểm khác với các luật khác. Thứ nhất, hoạt động dầu khí rất rủi ro, do đó cần phải thể chế hóa để giảm thiểu rủi ro. Thứ hai, thông lệ quốc tế hay ngôn ngữ của hợp đồng chi phối rất nhiều hoạt động dầu khí- điều này đòi hỏi ngôn ngữ của hợp đồng dầu khí phải là tiếng Anh. Thứ ba, hoạt động dầu khí mang tính đặc thù”- TS Phan Đức Hiếu phân tích.
“Việc sửa đổi Luật Dầu khí chỉ tập trung điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí (hoạt động dầu khí thượng nguồn), với mục tiêu quan trọng là nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động dầu khí…
Theo đó, Luật Dầu khí sửa đổi bổ sung thêm khung pháp lý cho hoạt động dầu khí, đồng bộ với các quy định khác của pháp luật. Luật cần được thiết kế chi tiết để chống xung đột với các luật khác cũng như không cần các văn bản hướng dẫn dưới luật để thực hiện, giúp cho nhà đầu tư chỉ cần nhìn vào Luật Dầu khí và yên tâm thực hiện dự án, tiết kiệm chi phí thời gian và tiền bạc”- TS Phan Đức Hiếu chỉ rõ.
Dự kiến, dự thảo Luật Dầu khí mới sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 8 này và dự kiến Quốc hội sẽ thông qua vào tháng 10/2022.
Lê Kim Liên