Suất cơm 7.000 đồng, ngộ độc là...đương nhiên

author 06:52 04/10/2012

(VietQ.vn) - Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu vốn cắt giảm chi tiêu khiến đời sống công nhân lao động gặp nhiều vất vả. Cũng bởi lẽ đó, bửa ăn của công nhân ngày không chỉ bị thiếu hụt dinh dưỡng mà còn luôn phải đối mặt với muôn vàn rủi ro.

Sợ trách nhiệm 

Lý giải nguyên nhân tình hình ngộ độc ở các khu công nghiệp còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, TS. Trần Quang Trung - Cục trưởng cục vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, đa số các doanh nghiệp không muốn tổ chức bếp ăn ngay trong khu công nghiệp vì nếu tổ chức bếp ăn, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra quỹ đất và chịu chi phí xây dựng nhà bếp.
 
Đặc biệt, nếu xả ra hoả hoạn hoặc ngộ độc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước công nhân và pháp luật. Do vậy, các doanh nghiệp chọn phương án “an toàn” ký hợp đồng cho cơ sở cung ứng thức ăn. Đây chính là cơ hội để cơ sở chế biến đồ ăn “bẩn” kinh doanh.
Bữa cơm của công nhân khu công nghiệp
Bữa cơm của công nhân khu công nghiệp
 
Theo khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, có nơi suất ăn chỉ có 7.000 đồng/ 1 suất.  Suất ăn rẻ dẫn đến nguồn thực phẩm không đạt yêu cầu.
 
Để giải quyết tình trạng này, ông Trung cho biết, chỉ có thể vận động các nhà máy xây dựng bếp ăn tập thể cho công nhân. Kêu gọi vận động từng doanh nghiệp có trên 1000 công nhân tự lo bữa ăn cho công nhân trong nhà máy, nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân là một trong những giải pháp trước mắt. 
Chiều 27-9, hàng ngàn công nhân của Công ty Hansoll Vina (chuyên sản xuất may mặc, Khu công nghiệp Sóng Thần II, Bình Dương) bị ngộ độc thực phẩm đã được chuyển vào Bệnh viện 4 (Quân đoàn 4, thị xã Dĩ An, Bình Dương) cấp cứu và một số bệnh viện trong khu vực.
Số công nhân nhập viện đa phần trong tình trạng đau bụng, nôn ói dữ dội. Theo công nhân, trong bữa cơm chiều có các món bún chả cá, thịt kho các loại và canh... Sau khi ăn khoảng 15 phút, công nhân bắt đầu có biểu hiện buồn nôn, nhức đầu, đau bụng và đồng loạt ngất xỉu. Số công nhân bị ngộ độc tại hai xưởng sản xuất của Công ty Hansoll Vina lên đến 2.000 người. Bệnh viện 4 đã huy động tổng lực để cấp cứu cho công nhân. Cho đến 20 giờ tối qua, hàng trăm công nhân bị nhẹ được cho về, còn lại trên 200 bệnh nhân nặng tiếp tục nằm cấp cứu tại Bệnh viện 4.
Chiều cùng ngày, BV Đa khoa khu vực (ĐKKV) Thủ Đức (TP.HCM) và BV Hoàn Hảo (thị xã Dĩ An, Bình Dương) tiếp nhận gần 200 công nhân Công ty TNHH Điện tử Boeim tech VN (Hàn Quốc, trụ sở phường Linh Trung, quận Thủ Đức) bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn chiều.
 
Cũng bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng, khẩu phần ăn của công nhân quá thấp. Theo nghiên cứu của Viện dinh dưỡng, cơ cấu bữa ăn của công nhân hiện nay mất cân đối, lượng tinh bột nhiều trong khi chất đạm rất ít. Trước mắt, chỉ có thể khuyến khích các khu công nghiệp bỏ ra quỹ đất xây dựng bếp ăn tập thể, tự xây dựng suất ăn cho công nhân. 
 
Ông Phong cũng cho biết, dự kiến Bộ Y tế, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đưa ra thông tư liên tịch quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, trong đó quy định về khẩu phần ăn. 

Khó tránh khỏi ngộ độc
 
Trong báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong quý III năm 2012, toàn quốc ghi nhận có 67 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 2200 người mắc, 15 người chết. So với cùng kỳ năm 2011, số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm, dù không đáng kể. 
 
Tỷ lệ các vụ ngộ độc có nguyên nhân từ vi sinh vật tăng, trong khi số vụ ngộ độc do hoá chất và độc tố tự nhiên giảm. Thông thường, các vụ ngộ độc do vi sinh chiếm cao nhất, số lượng lớn những tử vong rất ít xảy ra, trong khi tử vong chủ yếu do hoá chất hoặc có sẵn độc tố. 
 
Trên thực tế, trước những thông tin không mấy sáng sủa về chất lượng an toàn thực phẩm gần đây, rất nhiều người dân hoang mang vì không biết nên ăn gì, và lo ngại sẽ có nhiều nguy cơ cho sức khoẻ đến từ thực phẩm. 
 
Trước thực trạng này, TS. Nguyễn Thanh Phong thừa nhận: Rõ ràng tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn có những bất cập. Ví như việc kiểm soát thực phẩm sạch từ khi sản xuất tới nơi tiêu thụ. Chính vì vậy, có nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm và vấn đề rủi ro là khó tránh khỏi. 
 
Trong khi đó ở nước ta, có 9,4 triệu hộ nông dân tự chế biến nông sản, thực phẩm cung cấp cho gia đình và xã hội. Trong 500 nghìn cơ sở sản xuất thực phẩm, 80% vừa và nhỏ, chủ yếu là các gia đình sản xuất theo mùa vụ. Hình thức này đã duy trì hàng trăm năm nay, không thể xoá bỏ. 
 
Bên cạnh đó, trong dân gian vẫn tồn tại nhiều thói quen không có lợi cho sức khoẻ như  ăn tiết canh, ăn gỏi cá hay nem chua… Những thói quen này chỉ có thể vận động truyền thông để thay đổi hành vi. 
 
Để giải quyết nỗi lo lắng hiện nay của người dân, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng nên mua thực phẩm ở những nơi có địa chỉ rõ ràng, có nguồn gốc xuất xứ. Lưu ý mua thực phẩm ở những nơi bày bán có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Đặc biệt không nên sử dụng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc hay những cửa hàng bán ở những nơi mất vệ sinh.
 
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm
 
Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc, người bệnh thấy đột ngột có những triệu chứng (sau vài phút, vài giờ, có thể sau 1 ngày): buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu) có thể không sốt hay sốt cao trên 38oC. 
 
Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng thường nặng. Nếu nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước do tuổi cao làm mất cảm giác khát); mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.
 
Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?
 
Trước một người bị ngộ độc hoặc nghi bị ngộ độc còn tỉnh táo, cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn bị đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt bằng cách dùng 2 ngón tay của chính bệnh nhân để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi gây phản xạ nôn. 
 
Chú ý, khi bệnh nhân nôn để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi. Trong trường hợp nếu biết chất độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất trừ sâu thì không gây nôn vì gây nôn có thể sẽ làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang gây nôn. 
 
Tại y tế cơ sở, nếu có điều kiện thì tiến hành rửa dạ dày càng sớm càng tốt, chậm nhất là 4 - 6 giờ sau khi ăn phải thức ăn có chất độc (không rửa dạ dày nếu bệnh nhân co giật, lơ mơ). Sau đó nhanh chóng cho bệnh nhân uống than hoạt (1g/kg cân nặng) đối với người lớn và 0,5g/kg cân nặng đối với trẻ em (than hoạt tính có thể uống nhắc lại với liều như vậy sau 3 - 4 giờ). Tiếp đó cho uống thuốc tẩy sunfat magnesium hoặc sorbitol để tống chất độc còn lại trong ruột và than hoạt qua đường phân.
 
Sau khi cấp cứu tại chỗ, nên chuyển bệnh nhân đến y tế tuyến trên để được theo dõi và điều trị chuyên khoa. Trường hợp đến muộn, cần gửi bệnh nhân đến khoa hồi sức cấp cứu để xử trí. Có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc Trung ương để hỏi thông tin khi cần thiết.
 
 Minh Nguyệt - Mai Anh Tuân 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang