Tác động tiêu cực của việc trẻ em tiếp xúc nhiều với quảng cáo thực phẩm không lành mạnh

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, trẻ em ăn nhiều hơn sau khi xem chỉ năm phút quảng cáo các loại thực phẩm không lành mạnh. Điều này có thể khiến cho tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ngày càng tăng.
Thu hồi sản phẩm hummus của Công ty Sanctuary Kitchen chứa phụ gia tạo màu không ghi trên nhãn
Bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Trẻ nhỏ ăn nhiều hơn khi xem quảng cáo thực phẩm và những nguy hại khôn lường
Chính phủ Anh đang ban hành lệnh cấm quảng cáo đồ ăn vặt nhắm vào trẻ em kể từ tháng 10/2025 khi mà các chuyên gia ước tính điều này sẽ ngăn ngừa được hàng ngàn trường hợp béo phì ở trẻ em. Quyết định được đưa ra sau khi có nhiều nghiên cứu về tác động của quảng cáo đối với trẻ em, nhất là những quảng cáo về đồ ăn vặt.
Nghiên cứu được trình bày tại Đại hội béo phì châu Âu ở Malaga (Tây Ban Nha) thực hiện với 240 trẻ em từ 7 đến 15 tuổi tại các trường học ở Merseyside (Anh), cho thấy trẻ em ăn nhiều hơn sau khi xem chỉ năm phút quảng cáo thực phẩm không lành mạnh.
Các tác giả tính toán, sau khi xem quảng cáo, các em tiêu thụ thêm 58 calo trong các món ăn nhẹ và ăn thêm 73 calo cho bữa trưa. Tổng cộng, các em sẽ tiêu thụ trung bình 130 calo dư thừa, tương đương với hai lát bánh mì.
Nghiên cứu cũng cho thấy việc quảng cáo một món ăn cụ thể, hay quảng cáo chung chung về các thương hiệu thức ăn nhanh đều tác động đến lượng calo tiêu thụ như nhau. Kết quả này không bị ảnh hưởng bởi các loại quảng cáo khác nhau, như video có âm thanh, bài đăng trên mạng xã hội, quảng cáo podcast và các biển quảng cáo hoặc bảng hiệu.

Những quảng cáo đồ ăn không lành mạnh trên điện thoại, tivi có thể khiến trẻ ăn nhiều hơn. Ảnh minh họa
Emma Boyland, tác giả chính của nghiên cứu và giáo sư marketing thực phẩm và sức khỏe trẻ em tại Đại học Liverpool (Anh) cho biết: "Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng quảng cáo thực phẩm với thương hiệu ảnh hưởng đến những gì trẻ ăn. Trẻ không chỉ ăn nhiều ngay sau khi xem quảng cáo thực phẩm, mà thực tế trẻ ăn nhiều hơn cả trong bữa trưa, vài giờ sau khi chúng xem quảng cáo. Những thực phẩm chúng tôi thử nghiệm không phải là các loại đã được chiếu trong quảng cáo, cũng không có thông tin thương hiệu. Vì vậy, không phải trẻ bị thúc đẩy để mua những món ăn cụ thể đó hoặc đi ăn thức ăn nhanh. Việc xem quảng cáo giống như một lời nhắc nhở trẻ tiêu thụ những thức ăn có sẵn".
Katharine Jenner, Giám đốc của Liên minh Sức khỏe béo phì cho biết, các thương hiệu vẫn có thể quảng cáo cho thanh thiếu niên ngay cả khi không hiển thị sản phẩm cụ thể, trên các biển quảng cáo và tại các trạm xe buýt. Trẻ em đang thừa cân hoặc béo phì đặc biệt dễ bị tổn thương bởi chúng dễ bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo sinh động, đầy màu sắc và âm thanh hấp dẫn. Các chiến dịch quảng cáo thường sử dụng những nhân vật hoạt hình, hình ảnh thần tượng, hoặc khẩu hiệu dễ nhớ để thu hút sự chú ý của trẻ.
Tuy nhiên, quảng cáo có thể hình thành những nhu cầu không thực sự cần thiết và lối sống tiêu dùng thái quá, tập trung vào vật chất và coi trọng những giá trị bên ngoài hơn giá trị thực tiễn. Quảng cáo thực phẩm không lành mạnh ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe trẻ em. Ví dụ, quảng cáo các loại đồ uống có ga, snack, thực phẩm chế biến sẵn,… thường khuyến khích trẻ tiêu thụ nhiều hơn, bất chấp các khuyến cáo về dinh dưỡng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quảng cáo thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo và muối có thể thúc đẩy thói quen ăn uống không lành mạnh ở trẻ. Thói quen này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch khi trẻ lớn lên.
Một nghiên cứu được trình bày tại Đại hội béo phì châu Âu ở Malaga dựa trên dữ liệu từ 3.320 trẻ em Mỹ tham gia cho thấy, thanh thiếu niên có nhiều mỡ bụng có thể gặp vấn đề về khả năng học tập, trí nhớ và kiểm soát cảm xúc.
Tiến sĩ Augusto Cesar F De Moraes, thuộc Trường Y tế Công cộng UTHealth Houston ở thành phố Austin (Mỹ) cho biết: “Những phát hiện cho thấy, béo phì, đặc biệt là béo phì vùng bụng, có thể làm suy yếu khả năng học tập, trí nhớ và kiểm soát cảm xúc của thanh thiếu niên. Điều này đặc biệt đáng báo động vì tuổi thiếu niên là thời kỳ quan trọng cho sự phát triển của não bộ. Thanh thiếu niên béo phì còn có nguy cơ cao mắc các vấn đề về trí nhớ hoặc chứng mất trí khi già đi.
Trước thực trạng trên các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời kêu gọi Chính phủ các nước tăng cường biện pháp quản lý nhằm bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên trước những mẫu quảng cáo độc hại.
Quy định về quảng cáo thực phẩm
Căn cứ theo Điều 26 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 Luật quảng cáo.
Việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định sau: Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.
Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền; Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP; Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.
Đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình thì phải có kịch bản dự kiến quảng cáo và nội dung dự kiến quảng cáo ghi trong đĩa hình, đĩa âm thanh; đối với quảng cáo trên các phương tiện khác thì phải có ma két (mẫu nội dung) dự kiến quảng cáo (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
Đối với nội dung quảng cáo ngoài công dụng, tính năng của sản phẩm ghi trong bản công bố sản phẩm thì phải có tài liệu khoa học chứng minh (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân). Các tài liệu trong hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo phải được thể hiện bằng tiếng Việt; trường hợp có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng.
An Dương (T/h)