Gian thương mua trôi nổi khẩu trang không rõ nguồn gốc về bán - hệ lụy khôn lường

author 16:05 07/08/2020

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn vừa tạm giữ gần 5.000 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ được đăng bán trên mạng xã hội Facebook.

Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 diễn ra tại địa bàn, Đội QLTT số 3 đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình thị trường.

Qua theo dõi nắm bắt tình hình, Đội QLTT số 3 phát hiện một tài khoản Facebook có tên “Châm Mai Ngân” đăng bán các sản phẩm khẩu trang y tế. Bằng công tác nghiệp vụ Đội QLTT số 3 đã phối hợp với Công an huyện Lộc Bình tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang nói trên tại địa chỉ: số 18 khu Minh Khai, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Lượng lớn khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc bị lực lượng QLTT Lạng Sơn phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn 

Tại hiện trường kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng đang bày bán mặt hàng khẩu trang vải 4 lớp (giống khẩu trang y tế). Trong đó có 4.950 chiếc khẩu trang có quy cách đóng gói 50 chiếc/túi nilong, không có nhãn hàng hóa.

Sau khi đấu tranh khai thác, bà Nông Ngọc Châm - chủ hộ kinh doanh khai nhận thường xuyên sử dụng địa chỉ Facebook “Châm Mai Ngân” để đăng bán các loại hàng hóa trên mạng, trong đó có mặt hàng khẩu trang được mua trôi nổi qua các tài khoản khác trên mạng xã hội.

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, hoạt động mua bán số khẩu trang nêu trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Trị giá hàng hóa tính theo giá niêm yết tại cửa hàng là 4.950.000 đồng. Đội QLTT số 3 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số khẩu trang nêu trên để tiến hành xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Để giảm thiểu tình trạng trên, lãnh đạo Đội QLTT số 3 cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường công tác quản lý địa bàn, bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cảnh báo: Nhiều loại nước rửa tay khô có chất độc hại, mùi lạ (VietQ.vn) - Mỹ vừa đưa ra cảnh báo, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 đang hoành hành, nhiều đối tượng đã tự làm nước rửa tay khô có chất độc hại, mùi lạ.

Theo Tổng Cục QLTT, hiện nay bên cạnh sản xuất khẩu trang “chui”, tình trạng vận chuyển trái phép khẩu trang y tế diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành. Thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức vì hám lợi mà kinh doanh, vận chuyển trái phép mặt hàng khẩu trang, trong khi cả nước đang chung tay chống dịch Covid-19. Đây là hành vi coi thường pháp luật cần phải có biện pháp xử lý nghiêm ngặt.

Điều nguy hiểm chính là sản phẩm khẩu trang y tế, dung dịch diệt khuẩn không rõ nguồn gốc, bảo đảm các yêu cầu về y tế sẽ gây nhiều hệ lụy cho người sử dụng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 ở các địa phương. Trên thực tế, dùng những khẩu trang này không những không bảo vệ được bản thân trước nguy cơ nhiễm bệnh, mà còn có nguy cơ gây nên nhiều bệnh về đường hô hấp... Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý tình trạng sản xuất khẩu trang y tế “chui”, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; cũng như việc găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế khác… Những hành vi phạm pháp này cần được ngăn chặn tận gốc.

Cũng theo Tổng Cục QLTT, sản xuất khẩu trang y tế là loại hình kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP. Theo đó, cơ sở sản xuất phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển... Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 55 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, hành vi sản xuất khẩu trang y tế không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị buộc tiêu hủy hoặc tái chế trang thiết bị y tế theo quy định. Nếu hành vi nêu trên đáp ứng đủ yếu tố để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm tùy mức độ nghiêm trọng...

Về phía người tiêu dùng, để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng cần tỉnh táo, chọn mua các sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

An Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang