Tai nạn máy bay khiến 157 người thiệt mạng: Boeing 737 MAX 8 lộ điểm yếu 'chết người

author 15:16 13/03/2019

(VietQ.vn) - Hệ thống giúp phi công kiểm soát tốc độ MCAS đang được cho là một trong những nguyên nhân khiến máy bay Boeing 737 MAX 8 rơi.

Những vụ tai nạn thảm khốc

Hồi tháng 1/2019, hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ dự báo năm 2019 sẽ là năm kỷ lục về lợi nhuận và số lượng máy bay chuyển giao nhờ mẫu 737 MAX bán chạy nhất. Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau, hãng này đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, do hai vụ rơi máy bay liên quan đến một phiên bản của mẫu máy bay này là 737 MAX 8.

Gần đây nhất, vụ việc một máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopia (Ethiopian Airlines) rơi làm toàn bộ 157 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng đã tạo nên một làn song mới ‘bài trừ’ sản phẩm của hãng chế tạo máy bay của Mỹ. Cụ thể, sau vụ tai nạn, đã có khoảng 10 nước đã ra lệnh cấm với Boeing 737 MAX. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Hàng không Mỹ (FAA) khẳng định Boeing 737 MAX vẫn đủ điều kiện hoạt động, nhưng cần chỉnh sửa thiết kế.

Hiện trường vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX của Ethiopian Airlines. Ảnh: Reuters 

Trước đó, hồi tháng 10/2018, một sự cố đã xảy ra với chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 mang số hiệu JT-610 của hãng Lion Air (Indonesia). Chiếc 737 MAX 8 số hiệu 610 của hãng hàng không Lion Air bất ngờ lao xuống vùng biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta, khiến toàn bộ 189 người trên chuyến bay thiệt mạng. Các nhà điều tra cho biết có thể máy tính chiếc MAX đọc sai dữ liệu khiến chiếc máy bay giảm độ cao đột ngột.

Được biết, mẫu 737 MAX, được trình làng vào tháng 5/2017, là động thái thể hiện nỗ lực của Boeing trong cạnh tranh với Airbus A320 NEO.  Mẫu này có bốn phiên bản là MAX 7, 8, 9 và 10, khác nhau về số lượng hành khách có thể chuyên chở. Dòng MAX 8 có giá niêm yết 121,6 triệu USD và đóng góp 1/3 lợi nhuận của Boeing trong năm ngoái .

Tính đến cuối tháng 1/2019, 4.661 chiếc 737 MAX đã được đặt mua, chiếm gần 80% lượng đặt hàng của Boeing. Hãng chế tạo máy bay của Mỹ sản xuất 52 chiếc mỗi tháng và dự kiến tăng lên 57 chiếc/tháng trong năm nay (mục tiêu chung là chuyển giao 895-905 máy bay trong năm, một con số kỷ lục).

Nhiều quốc gia trên thế giới đã ra lệnh cấm bay đối với Boeing 737 MAX. Ảnh: ABC News

Hiện chưa có hãng hàng không nào chính thức hủy đơn đặt hàng Boeing 737 MAX nhưng thông tin từ giới truyển thông cho thấy Lion Air sẽ thay thế MAX 8 bằng máy bay của Airbus. Giá cổ phiếu của Boeing cũng đã giảm hơn 11% kể từ sau vụ tai nạn, khiến gần 27 tỷ USD giá trị thị trường của hãng bị "bốc hơi".

Nguyên nhân nào khiến Boeing 737 MAX gặp nạn?

Liên quan tới việc xác định nguyên nhân vụ tai nạn, nhà chức trách đã khẩn trương kiểm tra độ an toàn máy bay của hãng Lion Air, phát hiện một số lỗi ở 2 chiếc Boeing 737 MAX 8 cùng loại với máy bay gặp nạn.

Trong số những lỗi được phát hiện, có một máy bay Boeing 737 MAX 8 gặp vấn đề về màn hình hiển thị trong buồng lái liên quan đến hệ thống cảm biến, được dùng để tính toán tốc độ bay và độ cao của máy bay. Cơ quan chức năng Indonesia còn phát hiện lỗi kỹ thuật trong hệ thống ổn định bay của một máy bay khác cùng loại.

Theo trang tin Al Jazeera, hệ thống điều khiển tiên tiến được thiết kế để ngăn các phi cơ Boeing 737 Max 8 mất kiểm soát tốc độ trong khi bay mang tên Hệ thống Tăng cường Chức năng Điều khiển (MCAS) đang nằm trong nghi vấn sau vụ tai nạn khiến 157 người thiệt mạng.

Hệ thống MCAS cũng được cho là có liên quan tới vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max 8 thuộc hãng hàng không Lion Air ở Indonesia hồi cuối tháng 10 năm ngoái khiến 189 người thiệt mạng. Trong cả hai trường hợp nêu trên, máy bay mới được sử dụng vài tháng và bị rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh. Dữ liệu theo dõi hành trình bay cho thấy cả hai phi cơ đều có những dấu hiệu bất thường như tăng và giảm độ cao đột ngột.

"Vấn đề lần này cũng giống với vụ tai nạn Lion Air, tốc độ máy bay bất ổn và phi công gặp khó khăn trong việc điều khiển, cả hai đều yêu cầu quay trở về sân bay", Gerry Soejatman, nhà phân tích hàng không ở Indonesia nhận định.

Cơ chế hoạt động của hệ thống MCAS. Đồ họa: USA Today/VnExpress 

Trong thiết kế của dòng MAX 8, động cơ được lắp đặt nhô về phía trước và cao hơn ở trên cánh, làm thay đổi trọng tâm máy bay, dẫn tới việc mũi máy bay có xu hướng bị ngóc lên trong hành trình. Việc ngóc lên này có nguy cơ khiến máy bay rơi vào tình trạng mất kiểm soát tốc độ, không thể kiểm soát và rơi tự do.

Để khắc phục vấn đề trên, Boeing bổ sung hệ thống kiểm soát bay MCAS giúp tự động hạ thấp mũi máy bay xuống khi cảm biến phát tín hiệu cho thấy máy bay có nguy cơ mất kiểm soát tốc độ.

Các kỹ sư thiết kế để MCAS chỉ được kích hoạt khi cánh tà của máy bay đã được rút lại và phi cơ đã đạt đến độ cao cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người suy đoán trong cả hai vụ tai nạn của Lion Air và Ethiopian Airlines, dựa trên hiện tượng lên xuống bất thường của máy bay, dường như phi công đã tìm cách để vô hiệu hóa hệ thống tự động này.

Cuộc điều tra ban đầu trong vụ tai nạn máy bay Lion Air cho thấy một cảm biến bị lỗi và cung cấp dữ liệu về góc tấn (Góc tấn nói chung là góc giữa hướng của vec-tơ vận tốc dòng khí và trục hướng dọc đặc trưng trên vật thể. Ví dụ, đối với cánh máy bay thì đó là dây cung cánh, đối với máy bay – trục dọc thân máy bay) sai.

Việc này khiến hệ thống MCAS tự động kích hoạt và phát tín hiệu điều khiển tới cánh đuôi ngang để máy bay chúc mũi xuống nhằm lấy lại thăng bằng. Các điều tra viên cho biết phi công đã cố gắng vô hiệu hóa hệ thống điều khiển tự động và can thiệp để nâng mũi máy bay lên, nhưng MCAS lại tự động can thiệp, khiến máy bay lao xuống biển ở tốc độ cao.

Sau vụ rơi máy bay Lion Air hồi tháng 10/2018, một số báo cáo cho rằng phi công đã không được giải thích cụ thể về việc Boeing bổ sung tính năng MCAS trên phi cơ, khiến họ thao tác thiếu chính xác khi hệ thống kích hoạt. Tuy nhiên khi đó, Boeing phủ nhận thông tin nói công ty "cố ý giữ kín" về hệ thống mới. Có thông tin cho rằng giám đốc điều hành Dennis Muilenburg đã nói với nhân viên về "những chức năng liên quan của MCAS được mô tả trong văn bản Hướng dẫn Vận hành Phi hành đoàn".

Tuy nhiên, theo một số báo cáo khác, các phi công điều khiển máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Southwest Airline, Mỹ, từng được bảo rằng họ có thể không bao giờ có thể nhìn thấy MCAS hoạt động bởi "nó chỉ được kích hoạt trong tình huống máy bay chịu tải trọng tương đối cao và gần mất kiểm soát tốc độ". Hệ thống được thiết kế để "hỗ trợ phi công lấy lại ổn định và phi công gần như không hay biết".

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sau khi đánh giá các thông tin liên quan đến hoạt động khai thác loại máy bay Boeing 737 Max, để đảm bảo an toàn hàng không, Cục Hàng không quyết định tạm thời không cấp phép bay mới và đình chỉ hiệu lực phép bay đã cấp đối với các chuyến bay sử dụng loại máy bay Boeing 737 Max trong vùng trời Việt Nam.

Chỉ lệnh an toàn này có hiệu lực từ 10 giờ (tức 03 giờ UTC) ngày 13.3.2019 cho đến khi có quyết định mới. Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam chưa khai thác dòng máy bay Boeing 737 Max. Duy chỉ có Vietjet đã ký hợp đồng đặt mua 200 chiếc này và dự kiến chiếc đầu tiên sẽ về vào tháng 10 năm nay.

Bảo Lâm (Theo Al Jazeera, ABC News, IndyStar, Financial Times)

Vụ tai nạn máy bay khiến 157 người thiệt mạng 'xóa sạch' 26 tỷ USD của Boeing như thế nào?(VietQ.vn) - 2 ngày sau thảm họa máy bay khiến 157 người thiệt mạng, hãng hàng không Boeing bị "thổi bay" 26 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang