Tam giác mạch, loài hoa nao lòng kẻ lữ hành

author 19:11 06/11/2013

(VietQ.vn) - Cuối tháng 10, đầu tháng 11 hằng năm, những rẻo cao Tây Bắc lại được nhuộm màu bởi sắc tím hồng biêng biếc của hoa tam giác mạch. Loài hoa với những cánh li ti, khi chưa nở cánh chụm lại thành hình chóp nón này đã làm say lòng không ít phượt thủ và giới nhiếp ảnh để rồi đến hẹn lại lên, cứ vào mùa ấy, dòng người lại nao nức đổ lên Tây Bắc ngắm loài hoa thơ mộng, hoang dại, một trong những “đặc sản” của vùng cao.

Sự tích hoa tam giác mạch

Loài hoa tam giác mạch bé nhỏ đẹp dịu dàng, mong manh gắn với nhiều sự tích. Có người cho rằng “tam giác mạch” là hoa gắn với dân phượt. Theo đó, loài hoa này lúc đầu không có tên, chỉ được những người dân vùng cao gọi với cái tên rất lạ, dân phượt trong hành trình chinh phục những cung đường Tây Bắc đã bị quyến rũ bởi màu sắc và sự dịu dàng, thơ mộng hiếm có của loài hoa này, trong khi chưa biết tên mà người dân bản địa gọi hoa, thấy hoa có hình chóp nón, có ba mặt tam giác nên các họ liền đặt cho loài hoa ấy cái tên “tam giác mạch”.

Một sự tích khác được nhiều người biết và tin hơn, đó là tam giác mạch gắn với câu chuyện “cứu đói” lạ lùng. Tương truyền, thưở xa xưa nàng Tiên Gạo và Tiên Ngô gieo mày trấu, mày ngô xuống các khe núi nơi hạ giới. Người dân miền núi phía Bắc sống chủ yếu bằng hạt ngô, hạt lúa được kết tinh từ những cây lúa, cây ngô trưởng thành từ mày trâu, mày ngô này. Một năm nọ, lúa, ngô trong nhà đã cạn mà vụ mùa sau vẫn chưa tới, cái đói ùa về khắp bản làng. Sau hành trình dài đầy mệt mỏi kiếm tìm đồ ăn, dân bản bắt đầu chán nản, tuyệt vọng thì bỗng nhiên người ta thấy có mùi hương lạ thoang thoảng trong gió. Mọi người đi theo “tiếng gọi”, “lời chỉ đường” của mùi hương, đến được một khe núi và ngỡ ngàng khi thấy rừng hoa tím hồng li ti trải dài từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Dân bản đem hạt của cây này về ăn thay ngô, gạo và thấy nó ngon không kém gì hai loại lương thực kia. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, lá có hình tam giác nên loài cây lạ “cứu đói” ấy được dân bản gọi bằng cái tên trìu mến đầy hình tượng: tam giác mạch.

E ấp, dịu dàng, hoang dại như gái bản

Một số tỉnh phía Tây Bắc như Lào Cai, Cao Bằng cũng có những cánh đồng tam giác mạch nhưng nổi tiếng nhất với những vạt tam giác mạch bạt ngàn, làm xuyến xao, thổn thức mọi ánh nhìn thì phải kể đến Hà Giang. Nhiều địa điểm ở Hà Giang như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú… tam giác mạch trải đều khắp đường đi, chỗ thì là những ô ruộng nhỏ, nơi là vạt đồng, nơi chênh vênh trong các khe đá, triền núi, lại có nơi sắc hoa nhuộm màu cả thung lũng.

Sau mùa lúa chín vàng óng, mùa  tam giác mạch lại về và làm nao lòng những kẻ ưa xê dịch xách ba lô lên đường, để ngắm, để chụp lại những khoảnh khắc diệu kỳ về một loài hoa đẹp như cổ tích. Tam giác mạch cũng có nhiều loại, có loại từ lúc kết nụ đơm bông chỉ nguyên sắc trắng tinh khôi song cũng có loại lúc mới nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt tím hồng, có loại ánh tím hồng sậm. Nếu mọc thưa thớt thành từng khóm nhỏ thì sắc hoa chưa hẳn đã rực rỡ và đủ sức thu hút như nhiều loài hoa khác. Thế nhưng cái hay của tam giác mạch là mọc chụm lại với nhau, miên man, trải dài trên những thửa ruộng triền núi, sắc hoa cộng hưởng vì thế mà trở nên ấn tượng và nổi bật giữa núi rừng.

Hoa nở rộ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, khi đó tiết trời Tây Bắc đã nhuốm lạnh. Vào mỗi buổi sáng sớm, khi mây núi chưa tan, sương đêm còn chờn vờn trên cây cỏ, những nụ hoa tam giác mạch e ấp như thiếu nữ làm duyên. Vài giọt sương trong vắt, lóng lánh đọng trên cánh hoa, lá hoa càng như phản chiếu sự dịu dàng, tinh khiết của một loài hoa hoang dại và mơ mộng. Khi ánh nắng Mặt Trời xuyên qua những đám mây bạc, len lỏi vào những cụm tam giác mạch, màu hoa phớt hồng tím được cộng hưởng thêm sắc vàng dịu nhẹ của nắng càng trở nên lung linh huyền ảo. Các cánh hoa bung nở, như những cô gái bản đang ở độ tuổi rực rỡ sắc hương. Bầu trời vùng cao với tông màu xanh ngắt, trong veo dường như tạo ra một tấm phông nền hoàn hảo để sắc hoa tuyệt đẹp ấy nổi bật giữa nền trời.

Dưới ống kính của những kẻ lữ hành và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sắc hoa, vẻ thơ mộng hoang dại của loài hoa “đặc sản” vùng cao được thể hiện rõ nét đến mức làm “tức mắt” những kẻ ngồi ngắm, để rồi họ buộc phải rục rịch chuẩn bị cho những chuyến đi khi không thể cưỡng lại được vẻ hút hồn của những triền hoa tam giác mạch, khi mà họ biết chắc rằng sắc hoa kia chẳng chờ đợi họ lâu, nếu không nhanh chân, loài hoa có vòng đời ngắn ngủi ấy sẽ tàn lụi để tiếp tục thiên chức kết hạt, “cứu đói” của mình.

“Say” hoa có ý thức

Người dân bản địa thường lấy bột của quả tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu. Các loại rượu đặc sản của Hà Giang như Bản Phố, Nậm Pung… dường như có hương vị lạ hơn nhờ loại bột tam giác mạch đặc biệt này. Hành trình chinh phục mùa tam giác mạch Hà Giang chắc chắn sẽ thú vị hơn nếu bạn được thưởng thức món thắng cố ăn bằng muôi ở chợ phiên Đồng Văn hay Mèo Vạc.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là do sự vô ý của nhiều phượt thủ, khách lữ hành, tự ý ngắt hoa kết vương miện, giẫm đạp lên hoa để chụp ảnh nên những vạt tam giác mạch giờ đã thưa dần. Tam giác mạch vốn đã là loài hoa đẹp, nó rạng ngời và rực rỡ nhất là khi mọc chụm lại bên nhau, hoa càng nhiều, vạt hoa càng trải rộng thì càng khiến trái tim kẻ ngắm nhìn rung lên những nhịp đập xuyến xao. Vì vậy, chỉ mong sao những kẻ “say” hoa biết yêu thương đúng mực loài hoa đặc sản này, đừng hủy hoại hoa bằng những hành động vô ý thức. Có như vậy thì những năm sau, những kẻ lữ hành phương xa mới lại có cơ hội được tiếp tục đắm mình trong những triền tam giác mạch miên man, dài rộng.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang