Tạm giữ 700 kg nầm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 18:28 16/02/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng TP.Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ lượng lớn nầm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, qua nắm bắt địa bàn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ mới đây Đội QLTT số 25 (QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 4 - PC05, Công an thành phố Hà Nội tiến hành khám phương tiện vận tải mang BKS: 29H-338.xx có dấu hiệu vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại thời điểm khám, trên thùng chở hàng của phương tiện có 28 bao chứa nầm lợn, mỗi bao chứa 25kg, tổng trọng lượng: 700 kg nầm lợn. Làm việc với Đoàn kiểm tra, lái xe đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ của số nầm lợn trên. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 25 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới nội tạng động vật, theo các chuyên gia về dinh dưỡng, nội tạng động vật là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Lượng tiêu thụ sản phẩm này tại Việt Nam hiện nay rất lớn là lý do để nội tạng nhập khẩu dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nhưng vẫn được bán nhiều tại các chợ.

Lượng lớn nầm lợn không rõ nguồn gốc bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT TP.Hà Nội 

Theo thống kê của tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế OEC mỗi tháng người Việt tiêu thụ tới 4000 tấn nội tạng, nước ta cũng là thị trường tiêu thụ nội tạng lớn thứ 4 thế giới.

Trong đó nầm lợn không rõ nguồn gốc cũng đang được nhập khá nhiều. Đối với sản phẩm này đặc biệt đã có dấu hiệu bốc mùi hôi là do các vi sinh vật hoạt động gây ra nhiều độc tố, rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E.coli, hay đặc biệt tụ cầu trùng. Những loại vi khuẩn này gây hại cho cơ thể như ngộ độc thực phẩm.

Nầm lợn hay nội tạng động vật chứa nhiều cholesterol, không tốt cho hệ tim và có thể gây mỡ máu, nhất là các sản phẩm nội tạng đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch chứa nhiều chất bảo quản độc hại. Đặc biệt nhóm người bị gút không nên ăn nội tạng lợn bởi chất trong nội tạng lợn chứa rất nhiều protein, và chất béo.

Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện sinh học- công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết thịt, cá hay nội tạng động vật phải biết cách bảo quản để bảo bảo an toàn thực phẩm cũng như độ tươi ngon của thực phẩm. Đặc biệt nếu vận chuyển đi xa, cần được cấp đông đúng quy trình để tránh gây ra hư hỏng, nấm mốc.

"Trong trường hợp số nầm lợn trên dù đông đá nhưng có dấu hiệu bị mốc, bốc mùi hôi là do các vi sinh vật hoạt động gây ra nhiều độc tố. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bản chất của nầm lợn hay lục phủ ngũ tạng vốn dĩ đã có mùi hôi đặc trưng do đó cần kiểm tra và thẩm định mùi ở đây do hư hỏng hay bản chất của nó" - PGS Thịnh chia sẻ.

Theo đó, PGS cho biết khi sử dụng loại thịt có dấu hiệu bốc mùi hay mốc rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E. coli, Listeria monocytogenes hay đặc biệt tụ cầu trùng... Những loại vi khuẩn này gây hại cho cơ thể như ngộ độc thực phẩm, nôn ói...

Ông lấy ví dụ thực phẩm nhiễm vi khuẩn Salmonella, khi con người ăn vào sẽ gây ra các bệnh đường ruột, ngộ độc thực phẩm, nếu nặng có thể gây tử vong.

PGS Thịnh cho hay vi khuẩn này xuất hiện nhiều trong thịt. Tuy nhiên, ở nhiệt độ cao, tức nào chín loại vi khuẩn này sẽ bị chết. Nhưng đáng lo ngại là vi khuẩn này rất dễ bị lây nhiễm chéo. Ông đưa ra trường hợp ví dụ như vi khuẩn bám trong thịt có thể lây sang các đồ dùng khác, thậm chí tay người nấu nướng. Nếu đồ dùng, các thực phẩm khác đã nấu chín mà có khuẩn Salmonella thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.

Thêm vào đó việc dùng thịt, nội tạng lợn không rõ nguồn gốc rất có thể sẽ ăn phải heo bị bệnh hoặc heo nhiễm dịch tả châu Phi. Do đó, PGS Thịnh đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng cần chú ý lựa chọn thực phẩm tươi sống, tránh hàng đã qua bảo quản, đông lạnh. Thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất độc hại có thể không gây ra các dấu hiệu tức thì nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang