Tầm quan trọng của logistics với sự sống còn của doanh nghiệp

author 07:01 16/10/2021

(VietQ.vn) - Dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp.

Logistics đóng vai trò quan trong đối với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Ảnh minh họa. 

Không thể đóng cửa mãi

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử như dệt may là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn đã phải chịu nhiều áp lực từ việc thiếu nguyên liệu, sản xuất kinh doanh đình trệ và khó khăn trong lưu thông hàng hoá.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội đã tạo áp lực cực kỳ lớn lên cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí làm tê liệt một số doanh nghiệp sản xuất của 19 tỉnh phía Nam. Hơn nữa, nhiều địa phương áp dụng quá chặt chẽ, máy móc khi áp dụng giãn cách khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa dù không có người lao động mắc Covid-19.

Không những thế, việc kiểm soát đi lại với doanh nghiệp cũng như vận chuyển hàng hoá qua các địa phương dọc tuyến Quốc lộ 1 gặp nhiều khó khăn khi chuyển hàng từ Nam ra Bắc do các địa phương không thống nhất chấp nhận kết quả test PCR của tài xế.

Ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh, không thể đóng cửa mãi vì nguy cơ đứt gãy nguồn cung của ngành công nghiệp dệt may và nhiều ngành khác là cực kỳ lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may đang chịu rất nhiều áp lực khi khách hàng đang dần rút đơn hàng, chuyển sang Trung Quốc và một số thị trường.

Không chỉ riêng dệt may, một số doanh nghiệp khác cũng bày tỏ, khó khăn lớn nhất hiện nay là phải đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục. Dịch bệnh cũng khiến tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp mà vẫn phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhận định về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: "Có thể thấy, dịch Covid-19 đã và đang gây tác động, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế; trong đó, có hoạt động xuất nhập khẩu. Riêng với nhập khẩu, đa số hàng hóa của Việt Nam thông quan qua các cảng biển nên để giải quyết những thủ tục giao nhận như hải quan, kiểm dịch trong khi các khâu này thiếu nhân lực làm cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn".

Việc thiếu nhân lực để lái xe hoặc giấy đi đường để đi qua các điểm kiểm soát, nhất là từ địa phương này sang địa phương khác khiến hoạt động nhập khẩu bị tác động và ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nói chung. Một yếu tố nữa là chi phí vận tải biển tăng cao đưa giá thành nhập khẩu hàng hóa tăng theo cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tầm quan trọng của hoạt động logistics

Để đảm bảo chuỗi cung ứng phát triển bền vững, ông Trần Thanh Hải cho rằng, môi trường kinh doanh luôn thay đổi và chuỗi cung ứng sẽ luôn cần thích ứng để đạt được hiệu suất tốt nhất có thể, hạn chế thấp nhất rủi ro. Dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp.

Do đó, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh cũng như tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, vai trò vaccine rất quan trọng nên doanh nghiệp cần ưu tiên, phổ cập tiêm chủng cho người lao động trong chuỗi cung ứng như lái xe, người làm thủ tục giao nhận, giao hàng để họ tham gia lưu thông và chuỗi cung ứng vẫn được vận hành trong điều kiện chống dịch.

Nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch mà không làm đứt gãy và gián đoạn chuỗi cung ứng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp chặt hơn để điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu, kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa.

Cùng với đó, các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, không quy định thêm “giấy phép” con nhằm tăng rào cản, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các địa phương phải có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo an toàn để duy trì sản xuất; tuyên truyền rộng rãi để lực lượng tại các chốt kiểm soát, doanh nghiệp, người dân hiểu đúng chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành giúp lưu thông hàng hóa thông suốt, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang