Tận dụng cơ hội ‘vàng’ bùng nổ thương mại điện tử, đẩy mạnh xuất khẩu sang EU

author 19:22 26/10/2021

(VietQ.vn) - Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Âu. Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì ngay cả sau khi dịch bệnh chấm dứt. Đây cũng là cơ hội ‘vàng’ để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này nếu các doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội, trang bị đầy đủ cho mình hiểu biết về thị hiếu khách hàng và có những bước đi đúng đắn.

Bùng nổ thị trường thương mại điện tử tại Châu Âu 

Báo cáo 'Thương mại điện tử thông minh' do Công ty chuyển phát nhanh UPS thực hiện tại Châu Âu cho thấy rằng, đại dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi và thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại đây, cũng như góp phần thúc đẩy quá trình số hóa của các kênh bán hàng truyền thống. 

Theo đó, chỉ riêng tại thị trường Châu Âu, số người lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến đã tăng 50% (từ 10% trước đại dịch lên 15% sau khi dịch bệnh chấm dứt). Sự thay đổi lớn nhất được ghi nhận tại Anh- nơi số người mua sắm qua các kênh bán hàng online đã tăng khoảng 66% (từ 15% lên 25%). Trong khi đó, những nước ghi nhận sự thay đổi ít hơn như Đức và Ba Lan cũng cho thấy sự tăng trưởng lên đến 29%. 

 
Trong 6 hạng mục hàng hóa được khảo sát, mặt hàng may mặc và đồ điện tử nằm trong top các sản phẩm được người tiêu dùng châu Âu lựa chọn mua qua các kênh thương mại điện tử nhiều nhất, với tỉ lệ lần lượt là 22% và 31%. Đây cũng chính là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này.
 

Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang ứng dụng thành công thương mại điện tử vào mô hình hoạt động của mình để xúc tiến hoạt động xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU). 

Với những tiềm năng còn chưa được khai thác triệt để kèm theo những ưu đãi đặc biệt về thuế quan mà các Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA và UKVFTA mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tận dụng xu thế bùng nổ thương mại điện tử này nhằm tăng sản lượng xuất khẩu, từ đó mở rộng thị trường tại các nước châu Âu. 

Hiểu thị trường để chinh phục người tiêu dùng EU

Theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt 28,8 tỷ USD, tăng 11,5% tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương cũng dự đoán hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ còn tiếp tục tăng mạnh khi các hiệp định thương mại được tận dụng một cách triệt để và hiệu quả hơn nữa. 

 Doanh nghiệp cần lưu ý sự cải cách thuế VAT của EU khi gửi hàng sang thị trường này nhằm tránh những rủi ro ngoài ý muốn và xử phạt trong thủ tục hải quan, chi phí phát sinh cho người mua và người bán... 

Báo cáo 'Thương mại điện tử Thông minh' cho thấy, ngoài tiêu chí chất lượng sản phẩm, còn nhiều yếu tố khác tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng châu Âu. Trong đó, yếu tố tiên quyết chính là mức độ uy tín của dịch vụ logistics được sử dụng bởi các nhà bán lẻ, với hơn 85% số người châu Âu được khảo sát cho rằng, đây là yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của họ. Tính bền vững cũng là yếu tố được người dân châu Âu xem trọng không kém, với 75% số người được khảo sát nhận định, họ sẽ cân nhắc mua hàng từ các nhà bán lẻ cung cấp sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. 

Những thay đổi về thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng là điều các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cần cập nhật thường xuyên. Cụ thể là sự thay đổi trong cách tính thuế VAT đối với các mặt hàng có giá trị dưới €150 được nhập khẩu vào lãnh thổ EU. Các doanh nghiệp bán lẻ hoạt động theo hình thức B2C tại thị trường này thông qua các kênh thương mại điện tử cần lưu ý 3 thay đổi lớn từ ngày 1/7/2021. 

Đó là, chính sách miễn thuế GTGT cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị tối đa 22 eur đã bị xóa bỏ. Như vậy, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU bây giờ sẽ phải chịu thuế GTGT bất kể giá trị. 

Cùng với đó là sự ra đời của nền tảng điện tử Nhập khẩu Một cửa (IOSS) sẽ giúp đơn giản hóa quy trình kê khai và thanh toán thuế GTGT đối với hàng hóa xuyên biên giới với giá trị tối đa 150 eur tại thị trường EU.

EU cũng yêu cầu các chợ điện tử có trách nhiệm thu thuế GTGT đối với các lô hàng có giá trị tối đa 150 eur tại thì trường EU. Tuy nhiên, các chợ điện tử có thể kê khai thuế GTGT trên nền tảng IOSS của mình hoặc của các nhà bán lẻ tùy vào thỏa thuận của hai bên. 

Lựa chọn doanh nghiệp logistics uy tín để mở rộng thị trường TMĐT 

Nhằm góp phần giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thỏa mãn thị hiếu của người tiêu dùng trong xu thế phát triển thương mại điện tử, nhiều tập đoàn logistics hàng đầu đã đa dạng hóa dịch vụ vận chuyển của mình, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa quá trình xử lý đơn hàng và kiểm soát quá trình vận chuyển dễ dàng hơn. 

Đơn cử là dịch vụ UPS Marketplace Shipping giúp các doanh nghiệp dễ dàng quản lý các lô hàng của mình trên nhiều nền tảng thương mại điện tử, tối ưu hóa quy trình xử lý đơn hàng trực tuyến nhằm tiết kiệm tối đa thời gian mà không cần phải trả thêm bất kỳ chi phí nào. Các tính năng thân thiện với người dùng cho phép các chủ doanh nghiệp tự nhập đơn hàng cần gửi đi vào hệ thống vận chuyển trực tuyến của UPS, tự dán nhãn vận chuyển, được cập nhật từng giây quá trình các kiện hàng được gửi đến tay người tiêu dùng. 

Với cam kết cho việc phát triển bền vững, nhiều công ty logistics cũng chú trọng đến việc cung cấp hình thức vận chuyển 'xanh' hơn, nhằm giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, đội ngũ UPS được trang bị kinh nghiệm chuyên môn và chiều sâu nguồn lực cần thiết để xử lý những thủ tục và yêu cầu đặc biệt của hải quan trong quá trình vận chuyển như: xử lý nhập cảnh đặc biệt, xử lý nhập cảnh yêu cầu giấy phép thị thực từ nước xuất khẩu, hỗ trợ ký quỹ nhập khẩu tạm thời, điều phối hoàn trả thuế nhập khẩu, và chuẩn bị kê khai xuất khẩu. 

Thông điệp người tiêu dùng châu Âu gửi đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Số lượng đơn đặt hàng qua nền tảng thương mại điện tử tăng vọt yêu cầu chất lượng sản phẩm và tính bền vững trong mô hình kinh doanh phải được nâng cao. Doanh nghiệp Việt Nam muốn tăng thị phần tại các nước EU cần phải hiểu rõ thị trường, cũng như lựa chọn các dịch vụ vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics uy tín, nhằm đáp ứng được thị hiếu và mong muốn của khách hàng tại thị trường này.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang