Tận dụng FTA, đa dạng hóa xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mới

author 06:35 24/02/2023

(VietQ.vn) - Việc phát huy tốt lợi thế từ các FTA đã có tiếp tục là ưu tiên trong năm 2023. Bên cạnh phát triển thị trường truyền thống cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mới.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, trong đó việc tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, giúp đa dạng hóa thị trường. Tính đến nay, chúng ta có 17 FTA, trong đó có 15 FTA đã và đang thực hiện, nghĩa là người dân và doanh nghiệp đã và đang được hưởng lợi, còn 2 FTA chưa hoàn tất đàm phán.

Trước đây, Việt Nam liên tục nhập siêu, nhưng kể từ năm 2012, lần đầu tiên chúng ta xuất siêu, và đến năm 2022, 10 năm liên tiếp chúng ta đã liên tục xuất siêu. Vì vậy, không thể phủ nhận đó là những tác dụng, ưu điểm to lớn của FTA mang lại.

Tham gia hàng loạt các FTA tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, giúp đa dạng hóa thị trường. Ảnh minh họa.

Chia sẻ với báo chí, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, việc phát huy tốt lợi thế từ các FTA đã có tiếp tục là ưu tiên trong năm 2023. Bên cạnh phát triển thị trường truyền thống cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mới. Vì vậy, nhu cầu nắm bắt thông tin và phổ biến thông tin cho doanh nghiệp là ưu tiên, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Cũng theo ông Tạ Hoàng Linh, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyển thống. Hiện nay các thị trường như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Hà Lan… chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu. Những thị trường khu vực bắc Âu, đông Âu hay Mỹ La Tinh đang có tốc độ tăng trường cao - tuy tỷ trọng còn nhỏ, nhưng còn nhiều dư địa khai thác đồng thời cũng đang đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đáng ghi nhận trong những năm trở lại đây.

Hơn nữa, nếu có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này. Đồng thời cũng cần gia tăng, đa dạng hóa những sản phẩm mũi nhọn trong xuất khẩu, đẩy mạnh trao đổi các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thời gian tới, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; xây dựng, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về nhu cầu, các đối tác và các quy định liên quan của các thị trường. Song song với đó, định hướng các hiệp hội ngành hàng, địa phương xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng, tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện. Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang