Tân Hoàn Cầu của 'trùm năng lượng' Mai Văn Huế: Nợ vay ngàn tỷ, chi phí lãi vay 0 đồng?

author 11:36 24/03/2022

(VietQ.vn) - Ôm vọng tỷ đô với ngành năng lượng nhưng Tân Hoàn Cầu của đại gia Mai Văn Huế khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi khi nợ lớn nhưng chi phí lãi vay chỉ 0 đồng.

Năng lượng xanh là cụm từ được sử dụng rất nhiều tại Việt Nam những năm gần đây. Nguồn năng lượng được tạo nên từ các nguồn tự nhiên như: mặt trời, gió, mưa, thủy triều…

Các nguồn năng lượng xanh có khả năng tái tạo nên không lo cạn kiệt. Trong khi đó, nguồn nhiên liệu hóa thạch lại có hạn và đang bị cạn kiệt dần sau khi đã khai thác với số lượng lớn. Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, năng lượng xanh có thể thay thế các loại năng lượng sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như: điện, sưởi ấm, nước, nhiên liệu cho xe có động cơ…

Mục đích chính mà con người tận dụng nguồn năng lượng xanh là giảm thiểu tác động có hại lên môi trường tự nhiên. Hiện nay, việc sản xuất năng lượng dù ít hay nhiều đều gây ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên, năng lượng xanh lại tác động rất ít, do đó, với sự phát triển bền vững của tương lai thì việc sử dụng năng lượng xanh là điều tất yếu. Từ thực tế đó, các tổ chức tiêu chuẩn hóa trên thế giới đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn để phát triển năng lượng xanh. 

Nằm trong xu thế trên, nhiều đại gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này. Một trong số đó là ông Mai Văn Huế.

Hé mở hệ sinh thái

Vài năm gần đây, ông Huế nổi lên và được mệnh danh là “trùm năng lượng”. Ông từng gây chú ý khi kỳ vọng năm 2025, tổng tài sản hệ thống doanh nghiệp đạt mốc 1 tỷ USD. Hiện thực hoá giấc mơ, ông đầu tư vào rất nhiều dự án qua hệ thống công ty dày đặc, trong đó “hạt nhân” là Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu.

Để thực hiện tham vọng của mình, Tân Hoàn Cầu phát triển trên 20 dự án qua hệ thống công ty thành viên. Hệ thống doanh nghiệp của ông Huế còn có 6 thành viên khác: Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre, Công ty cổ phần Năng Lượng Quảng Trị, Công ty cổ phần Đầu tư Thanh Hoa, Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn, Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn Bình Phước và Công ty cổ phần Nước sạch THC.

Ông Mai Văn Huế (trái) trong một lần ký hợp đồng với đối tác. 

Ở lĩnh vực điện gió, Tân Hoàn Cầu đang đầu tư 3 cụm dự án thủy điện, bao gồm: Cụm dự án điện gió Hướng Linh (Quảng Trị, công suất 150 MW); Cụm dự án điện gió Hướng Hiệp (Quảng Trị, công suất 90MW) và Cụm dự án điện gió Bãi Dinh (180 MW).

Ở lĩnh vực thủy điện, Tân Hoàn Cầu đầu tư loạt dự án như: Thủy điện Đakrông 3 (8,8 MW), thủy điện Khe Nghi (9 MW), thủy điện Đức Thành (42 MW), thủy điện Khe Giông (4,5 MW), thủy điện Hướng Phùng (18 MW).

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng hoạt động trong mảng nhà thầu xây dựng với các dự án Nhà máy thủy điện Đăk Psi (Kon Tum); Quốc lộ 1A, khu vực phía Nam, tỉnh Hà Tĩnh; xây dựng một số dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Resort & Villas.

Lộ điểm bất thường

Tuy nhiên, “hạt nhân” Tân Hoàn Cầu lại có nhiều điểm bất thường trong hoạt động. Đó là năm 2020, tổng tài sản công ty giảm mạnh. Đáng chú ý hơn cả chính là dù nợ vay lên đến ngàn tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay của Tân Hoàn Cầu lại chỉ là 0 đồng. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của Tân Hoàn Cầu chỉ còn 3.286 tỷ đồng, giảm 2.280 tỷ đồng, tương ứng 41% so với cuối năm 2019.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2019, tổng nợ phải trả tại Tân Hoàn Cầu là 3.066 tỷ đồng, cao gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 55% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 20 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 3.041 tỷ đồng. 

Dự án điện gió Hướng Linh 2 do Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư. (Ảnh: Internet). 

Ví dụ với mức lãi suất khá thấp, chỉ 5%/năm, chi phí lãi vay mà Tân Hoàn Cầu phải trả có thể lên tới 153 tỷ đồng. Nhưng ngạc nhiên ở chỗ, chi phí lãi vay năm 2019 của công ty được xác định là… 0 đồng.

Bước sang 2020, Tân Hoàn Cầu nỗ lực thanh toán nợ vay. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm từ 20 tỷ đồng xuống 15 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm sâu từ 3.041 tỷ đồng xuống 942 tỷ đồng. Và cũng giống như 2019, trong năm 2020, chi phí lãi vay Tân Hoàn Cầu được xác định vẫn là 0 đồng.

Không rõ những tài sản cố định nào của Tân Hoàn Cầu bị giảm giá trị. Chỉ biết, theo quy định kế toán, tài sản cố định bao gồm: Nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn, thiết bị, dụng cụ quản lý, vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm, quyền sử dụng đất, quyền phát hành, bằng sáng chế phát minh, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sản phẩm, kết quả của cuộc biểu diễn nghệ thuật, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng và vật liệu nhân giống,…

Được biết, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Quảng Bình là đơn vị có số lần cấp tín dụng cho Tân Hoàn Cầu nhiều nhất trong vài năm gần đây. Công ty TNHH MTV Cho thuê Tài chính Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cũng cho Tân Hoàn Cầu vay vốn. Tài sản đảm bảo là máy móc, thiết bị. Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Quảng Bình cũng cấp tín dụng cho Tân Hoàn Cầu. Dự án Điện gió Hải Phong – Cụm Nhà máy điện gió Hải Phong II có tên trong danh sách tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, DONGFANG ELECTRIC INTERNATIONAL CORPORATION cũng là chủ nợ của Tân Hoàn Cầu với tài sản bảo đảm là “Toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu bởi Các Bên Bảo Đảm, chiếm 100% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Điện gió Hướng Hiệp 1, một công ty được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 3200705845 cấp lần đầu bởi Sở KH&ĐT Tỉnh Quảng Trị ngày 14/01/2020”.

Minh Quân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang