Tăng cường đào tạo để đối phó với thách thức an toàn thông tin

author 09:11 18/11/2024

(VietQ.vn) - Trước những nguy cơ an toàn thông tin ngày càng gia tăng và tinh vi. Các khóa học thực tiễn với sự hỗ trợ quốc tế đang mở ra những cơ hội mới cho việc bảo vệ hạ tầng quan trọng và xây dựng không gian mạng an toàn.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Mỗi ngày, các đơn vị công nghệ tại Việt Nam phải xử lý khoảng 50.000 cảnh báo từ người dùng về nguy cơ mất an toàn thông tin. Hơn 90% camera giám sát có nguồn gốc nước ngoài đặt ra lo ngại về lộ lọt dữ liệu quốc gia. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng và tinh vi với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết là các nhà cung cấp dịch vụ mạng cần tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù số vụ tấn công mạng trong 9 tháng đầu năm 2024 đã giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái, hệ thống giám sát quốc gia đã ngăn chặn thành công hơn 14.000 website độc hại, bảo vệ an toàn cho hơn 11,3 triệu người dùng nhưng các cuộc tấn công mạng liên tục phát triển với mức độ ngày càng tinh vi phức tạp, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của AI. Do vậy, việc đảm bảo an toàn thông tin vẫn đặt ra cấp thiết.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết này, từ ngày 18/11 đến 21/11/2024, AIS phối hợp với Cơ quan An toàn mạng Hàn Quốc (KISA) tổ chức Khóa học Bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng 2024 (CIP).

Khoá học thực hành về An toàn thông tin.

Với sự góp mặt của các chuyên gia từ KISA, Công ty Bảo mật Hệ thống Hàn Quốc (KOSYAS) và đại diện Ngân hàng Thế giới, khóa học tập trung vào các nội dung: Ứng cứu sự cố và phân tích bảo mật với các kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Đông Nam; Tăng cường an ninh mạng cho hệ thống điều khiển công nghiệp (ICS); Đánh giá lỗ hổng, phân tích rủi ro và đề xuất giải pháp bảo vệ hạ tầng quan trọng tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, chia sẻ: “Đào tạo nhân lực an toàn thông tin không chỉ giúp chúng ta chống lại các mối đe dọa hiện tại mà còn đảm bảo cho tương lai một hệ thống thông tin bền vững, an toàn trong thời đại số hóa”.

Chương trình CIP 2024 không chỉ là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quốc tế mà còn là bước đi cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa AIS và KISA vào năm 2023. Đây là minh chứng cho sự hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong việc xây dựng năng lực an toàn thông tin.

Việc đào tạo đội ngũ chuyên gia không chỉ là giải pháp ngắn hạn mà còn là chiến lược dài hạn để Việt Nam đối phó với các thách thức an ninh mạng. Đầu tư vào nhân lực không chỉ giúp bảo vệ hệ thống hạ tầng quan trọng mà còn tạo nền tảng để thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững.

Khóa học CIP 2024 là một bước đi quan trọng trong hành trình này, mở ra tương lai đầy hy vọng về một không gian mạng an toàn, vững chắc và đủ sức đối mặt với các thách thức toàn cầu.

Tại Tuần lễ Số Quốc tế 2024, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm khẳng định, an ninh mạng có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền và sự thịnh vượng trên không gian mạng đối với mọi quốc gia. "Việc hợp tác về quản lý Internet và an toàn thông tin cần tiếp tục được đẩy mạnh, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc".

Bên cạnh các chương trình hợp tác đã có, Thứ trưởng đề nghị KISA cùng các cơ quan của Việt Nam mở rộng phạm vi hợp tác, ưu tiên các mục tiêu sau chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng chiến lược phát triển tài nguyên Internet; Hợp tác xây dựng, phát triển cộng đồng Internet, chuyên gia Internet, tổ chức các diễn đàn công nghệ, kỹ thuật, quản trị Internet.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang