Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển

author 07:05 08/11/2020

(VietQ.vn) - Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát biển sẽ tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển.

Theo nhận định của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, hiện nay, tình hình tội phạm, vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên biển và địa bàn liên quan vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo trong những tháng cuối năm các đối tượng tội phạm, vi phạm chắc chắn sẽ đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hóa trái phép phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cuối năm; các mặt hàng chủ yếu bao gồm: dầu DO, thuốc lá điếu.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ 32 vụ/45 tàu/214 đối tượng (so với cùng kỳ năm ngoái tăng 2 tàu/19 đối tượng), tang vật: 2.498.810 lít dầu DO; 318.253 kg dầu FO; 1.861.117 lít xăng; 27 phuy và 46 thùng dầu thủy lực, dầu nhờn; 1.610,9 m3 cát; 275,32 tấn đường cát; 30 container nghi là quặng đồng; 3.505 tấn Ilmenite.... Trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính: 28 vụ/42 tàu/194 đối tượng với số tiền là 2.310.600.000 đồng, phát mại 9.667,588 tấn than; 2.466.476 lít dầu DO; 318.253 kg dầu FO; 1.861.117 lít xăng; 27 phuy và 46 thùng dầu thủy lực, dầu nhờn...

Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát biển cho biết sẽ tiếp tục tăng cường nắm tình hình phục vụ, đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, nhất là các vùng biển trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác trong thực hiện chuyên án, vụ án.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Phối hợp với các báo, đài ở Trung ương và địa phương, kịp thời đưa tin kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm của Lực lượng Cảnh sát biển. Tăng cường công tác huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ trong phát hiện vi phạm, tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, xăng dầu, ma túy.

Nhằm đảm bảo hiệu quả ngăn chặn tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy trên biển, Bộ Công an đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về ma tuý ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển.

Theo dự thảo, nguyên tắc phối hợp là thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; đảm bảo sự đoàn kết, hiệp đồng, hỗ trợ lẫn nhau; không gây cản trở lưu thông và các hoạt động hợp pháp qua biên giới, cửa khẩu và trên biển.

Ảnh minh họa 

Mỗi khu vực do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về ma tuý; các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ. Tại địa bàn mà các lực lượng có cùng vai trò chủ trì thì lực lượng nào phát hiện hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy trước thì chủ trì, phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, xử lý.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý thuộc Bộ Công an là nòng cốt trong các hoạt động phối hợp giữa các lực lượng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma tuý trên phạm vi toàn quốc, kể cả khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển.

Dự thảo nêu rõ, các nội dung phối hợp gồm: Phối hợp tham mưu, chỉ đạo; Phối hợp trao đổi, kiểm tra, xác minh thông tin; Phối hợp tuyên truyền, vận động quần chúng; Phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; Phối hợp đấu tranh chuyên án và điều tra, truy xét, xử lý các vụ án, vụ việc cụ thể.

Nội dung thông tin, tài liệu trao đổi giữa các lực lượng phối hợp gồm: Tình hình tội phạm ma tuý các nước trong khu vực và trên thế giới, chủ trương, chính sách, pháp luật của các nước về vấn đề ma túy; tình hình tội phạm ma tuý trên tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma tuý của từng lực lượng; dự báo xu hướng tình hình tội phạm ma tuý. Trong trường hợp có những vấn đề đột xuất, phức tạp thì kịp thời báo cáo về Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (qua Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an) để thông báo cho các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.

Các hình thức phối hợp là: Phối hợp trực tiếp như tuần tra kiểm soát liên ngành; xây dựng và triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án chung phối hợp đấu tranh với tội phạm về ma tuý trên các tuyến, địa bàn trọng điểm;

Phối hợp gián tiếp thông qua các hình thức: Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp giữa các lực lượng. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác phòng, chống tội phạm về ma tuý.

Bên cạnh đó, thành lập các đơn vị đặc nhiệm phòng, chống ma túy liên ngành. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan có thể thành lập các đơn vị đặc nhiệm phối hợp phòng, chống ma tuý liên ngành (lâm thời). Các đơn vị này do lực lượng chủ trì đề xuất tổ chức thực hiện, các lực lượng khác có trách nhiệm cử cán bộ tham gia.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang