Các tỉnh tăng cường hỗ trợ, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm OCOP đến năm 2025

author 06:38 18/07/2023

(VietQ.vn) - Thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương luôn tích cực đồng hành, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, các chủ thể xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình lớn được triển khai trên phạm vi cả nước nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương. Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương luôn tích cực đồng hành, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, các chủ thể xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp ở các địa phương.

Kom Tum triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm

Qua 4 năm hình thành và phát triển chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh Kom Tum có 188 sản phẩm OCOP đạt từ 3- 5 sao (còn hiệu lực), trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, 16 sản phẩm 4 sao và 165 sản phẩm 3 sao. Dự kiến trong năm 2023, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, khả năng tỉnh ta sẽ có thêm 6 sản phẩm đạt 5 sao.

Đến năm 2025 tỉnh phấn đấu có ít nhất 250 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó xây dựng được ít nhất 10 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia (sản phẩm 5 sao). Phấn đấu ít nhất có 50% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng (trong đó có ít nhất 50% sản phẩm OCOP hiện có được củng cố và nâng cấp). Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%.

Đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP góp phần phát huy thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp địa phương. Ảnh minh họa

Sóc Trăng triển khai sâu rộng tới doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân về sản phẩm OCOP

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tỉnh Sóc Trăng có tổng số 189 sản phẩm đạt các sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao OCOP (gạo ST25); 19 sản phẩm đạt hạng 4 sao OCOP và 169 sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP của 102 chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh); có 8 cửa hàng trưng bày bán sản phẩm OCOP và sản phẩm an toàn.

Để đạt được số lượng sản phẩm đạt các sao OCOP trong các năm qua và hình thành các cửa hàng bán trưng bày sản phẩm OCOP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai sâu rộng đến các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân về Chương trình OCOP. Đưa cán bộ được giao phụ trách Chương trình OCOP cấp tỉnh, huyện, xã tham gia các lớp tập huấn về chương trình, nhằm nắm vững các quy định của chương trình triển khai thực hiện tại các địa phương một cách hiệu quả, thiết thực; đồng thời, qua tập huấn giúp người phụ trách Chương trình OCOP tại địa phương phát hiện các sản phẩm đặc trưng tiềm năng của địa phương để đưa đi tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh.

Đà Nẵng tập trung trao đổi các giải pháp thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

Qua 3 năm hình thành và phát triển, đến nay Đà Nẵng có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP gồm 21 sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Sở Công Thương thành phố triển khai hỗ trợ 09 đơn vị xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm đạt OCOP; hỗ trợ tư vấn, thiết kế bao bì/nhãn sản phẩm cho 12 đơn vị; xây dựng Trang thông tin và in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 11 đơn vị...Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 04 sản phẩm và chứng nhận hệ thống chất lượng ISO, HACCP cho 08 chủ thể OCOP, hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì, bộ nhận diện thương hiệu, thương hiệu cho 24 sản phẩm, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho 08 sản phẩm OCOP. 

Mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 135 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Cần tập trung trao đổi các giải pháp thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, định hướng phát triển doanh nghiệp và phát triển chuỗi sản phẩm, xây dựng trung tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Các chủ thể doanh nghiệp OCOP mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Tích cực đưa sản phẩm mở rộng thị trường nước ngoài, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng diện mạo trên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ vào trong quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP. Nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất của cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.

Trà Vinh phấn đấu 2025 có ít nhất 165 sản phẩm OCOP

Giai đoạn 2019 - 2022, toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP của 118 chủ thể được công nhận (gồm 20 công ty, 05 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã, 02 tổ hợp tác, 72 hộ kinh doanh); trong đó, 137 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 74%; 38 sản phẩm 4 sao, chiếm 20,7% và 09 sản phẩm tiềm năng 5 sao, chiếm 4,9%. Các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP, sản xuất, kinh doanh bình quân tăng từ 10 - 30% về sản lượng và doanh thu; đã mở rộng thị trường tiêu thụ, được kết nối tại các sàn thương mại điện tử và tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, có thêm ít nhất 165 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó có khoảng 05 - 07 sản phẩm đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt sản phẩm 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia).

Ninh Bình đặt ra 6 mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu chung phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó khoảng 3% sản phẩm được công nhận đạt 5 sao; Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử...).

Tiền Giang phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi

Tiền Giang đã công nhận 174 sản phẩm OCOP; trong đó, có 95 sản phẩm 4 sao và 79 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về tính đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận. Ngành Nông nghiệp đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 là củng cố và nâng cấp 174 sản phẩm OCOP giai đoạn 2019 - 2022, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 200 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (trong đó có 05 - 07 điểm du lịch nông thôn), phấn đấu 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có tối thiểu 300 sản phẩm OCOP

Hà Tĩnh đặt ra kế hoạch đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo,...)...

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang