Tăng cường năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công - Góc nhìn từ thực tế tại Ninh Bình

author 07:13 15/01/2022

(VietQ.vn) - Mỗi năm gần 300 triệu lít rượu thủ công tung ra thị trường không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng đã gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” thí điểm tại tỉnh Ninh Bình đã cho thấy thực trạng quản lý sản xuất rượu thủ công vẫn còn nhiều bất cập cần sớm khắc phục.

Ngày 14/1/2022, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đồng tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” thí điểm tại tỉnh Ninh Bình năm 2020-2021.

 Hội thảo tổng kết chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” thí điểm tại tỉnh Ninh Bình ngày 14/1/2022

Tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công

Ông Ngô Minh Kim - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình - đơn vị trực tiếp triển khai chương trình cho biết, qua điều tra khảo sát, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 4.093 hộ sản xuất rượu thủ công. Cơ sở vật chất sản xuất rượu nhỏ, trang thiết bị, dụng cụ để nấu rượu thô sơ... nên việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm là rất hạn chế. Phần lớn các cơ sở sản xuất rượu thủ công theo phương pháp truyền thống, quy mô nhỏ lẻ nên chưa đảm bảo các điều kiện về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa.

Việc quản lý hoạt động sản xuất rượu của một số địa phương chưa thường xuyên, nhất là quản lý hoạt động sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chưa chấp hành đúng các quy định về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa, tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm.

Các hoạt động của Chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” tại tỉnh Ninh Bình đã thu được kết quả ban đầu khá ấn tượng, đặc biệt là số lượng hộ sản xuất rượu thủ công đăng ký, kê khai với chính quyền địa phương tăng 68% so với thời điểm trước khi triển khai- ông Ngô Minh Kim cho hay.

Dẫu vậy, kết quả điều tra khảo sát cũng cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý việc sản xuất rượu thủ công ở Ninh Bình, chẳng hạn như gần 3/4 số hộ gia đình được khảo sát cho biết họ chưa kê khai với chính quyền địa phương về việc sản xuất rượu thủ công, trong số đó có tới 85,2% cho biết không nắm được quy định cần phải kê khai việc sản xuất rượu thủ công với chính quyền.

Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết của người sản xuất rượu thủ công về việc nấu rượu còn rất hạn chế, chỉ 36% hộ gia đình hiểu biết đầy đủ về những quy định pháp lý cần tuân thủ trong việc nấu rượu thủ công (về an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, đăng ký kê khai).

Ông Ngô Khải Hoàn- Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, chương trình được xây dựng với mục đích chính nhằm đánh giá thực trạng sản xuất rrượu thủ công trên toàn quốc và chuyên sâu riêng tại tỉnh Ninh Bình, từ đó hỗ trợ và thúc đẩy quản lý hiệu quả việc sản xuất rượu thủ công ở Ninh Bình nói riêng và lan tỏa hiệu quả đến các tỉnh thành khác trên cả nước nói chung. Bộ cũng sẽ hỗ trợ các bên liên quan kiến nghị những bất cập, nhằm hoàn thiện chính sách về vấn đề này.

Xử lý nghiêm sản xuất rượu lậu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

PGS. TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam cho biết, mỗi năm, có gần 300 triệu lít rượu thủ công được tung ra thị trường với tình trạng không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng. Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu thủ công vẫn là nhiệm vụ bất khả thi, làm thất thu nguồn thuế rất lớn cho Nhà nước, làm tăng chi phí chăm sóc y tế cũng như thiệt hại về mặt tính mạng con người và tăng nguy cơ mất an ninh-trật tự, an toàn xã hội.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) năm 2020 cho biết, tổn thất về thuế đối với rượu thủ công gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức.

Theo Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thực tế hiện nay, Nhà nước chưa quản lý được các cơ sở sản xuất rượu thủ công. Điều này đã gây hệ lụy rất lớn đến đời sống xã hội. Ông Ngô Trí Long cho rằng, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc các cơ sở sản xuất rượu không phép. Có như vậy mới tránh được tình trạng thật giả lẫn lộn, ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất rượu nghiêm túc.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Ludovic Ledru- đồng Chủ tịch Diễn đàn uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) chia sẻ, kết quả khảo sát từ Chương trình cho thấy, tại Ninh Bình có hơn 450 hộ sản xuất rượu thủ công (tương đương 11% tổng số hộ) có sản lượng hàng năm từ 1000 lít trở lên kê khai “không nhằm mục đích kinh doanh”. Đây rõ ràng là điểm bất hợp lý bởi mức sản lượng này quá lớn và nằm ngoài khả năng tiêu dùng của hộ gia đình. Nếu số rượu này để bán thì dĩ nhiên, các hộ gia đình này không đóng thuế đúng quy định.

Từ thực tế tại Ninh Bình, có thể thấy rõ rằng, Nhà nước đang tổn thất rất lớn về mặt thu thuế từ khu vực rượu phi chính thức. Nếu như Nhà nước có chính sách phù hợp nhằm chuyển đổi các hộ sản xuất rượu thủ công vào khu vực chính thức, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ có thể tăng thêm đáng kể.

Việc quản lý tốt rượu thủ công không chỉ giúp tăng nguồn thu thuế cho ngân sách, mà còn giúp tạo ra các sản phẩm rượu có chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, hấp dẫn cho các nhà sản xuất rượu chính thức ở Việt Nam- ông Ludovic Ledru nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, trên thực tế, khó yêu cầu cơ sở sản xuất rượu thủ công làm đầy đủ các thủ tục theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu; việc thống kê, quản lý, kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn; quy định báo cáo tình hình kinh doanh đối với các hộ bán lẻ khó thực hiện. Hơn nữa, chưa thể áp dụng các hình thức xử phạt theo đúng quy định.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra liên ngành và chuyên đề về kiểm tra rượu thủ công…, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở có hành vi vi phạm quy định pháp luật; cùng với đó, đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm cho các đối tượng sản xuất kinh doanh rượu thủ công và người tiêu dùng trong việc thực hiện quy định về kinh doanh rượu và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang