Tăng cường phát triển lâm nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Thủ tướng: Thương hiệu là cam kết về phát triển bền vững để "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh"
Hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh - Nền móng cho mục tiêu phát triển bền vững
36 dự án tranh tài vòng chung kết 'Khởi nghiệp xanh - phát triển bền vững'
Ngành F&B Việt Nam: Thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững để tăng trưởng mạnh mẽ
Tăng trưởng xanh phát triển bền vững: Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại quốc tế song phương và đa phương, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, cùng với cơ hội là những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp, chất lượng ổn định, và giá thành cạnh tranh. Để đáp ứng các quy định ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu EU, Hàn Quốc và Nhật Bản, ngành lâm nghiệp Việt Nam phải phát triển chuỗi cung ứng xanh, đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về hàm lượng các-bon và các yêu cầu về môi trường.
Phát triển ngành lâm nghiệp xanh, bền vững là xu hướng tất yếu. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và giảm 30% khí thải metan vào năm 2030. Phát triển rừng bền vững không chỉ là nhiệm vụ của ngành lâm nghiệp mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành lâm nghiệp đã xác định việc xây dựng chuỗi cung ứng xanh là ưu tiên hàng đầu. Nhờ đó, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bao gồm cả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon, đã tăng trưởng đều đặn. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ trong lâm nghiệp đang phát triển mạnh mẽ với nhiều nghiên cứu được đưa vào sản xuất thực tiễn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và môi trường của rừng.
Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Triệu Văn Lực cho biết, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu dù phải đối mặt với không ít thách thức. Hiện có khoảng 70% số tổ chức chủ rừng trên cả nước đã xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững đạt 465.000 ha, tương ứng 93% mục tiêu giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo nhận định vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến tiêu chuẩn xanh trong chế biến và xuất khẩu lâm sản. Điều này có thể khiến họ gặp khó khăn khi các thị trường lớn bắt đầu siết chặt quy định về phát thải các-bon. Do đó, ngành lâm nghiệp cần chủ động chuyển đổi để đáp ứng những thay đổi của thị trường quốc tế.
Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR) là một điển hình trong việc nhanh nhạy chuyển đổi đáp ứng thay đổi của thị trường. Theo đó, VINAFOR quản lý hơn 43.000 ha rừng, sản xuất gỗ có chứng chỉ FSC và cung cấp các dịch vụ lâm nghiệp, môi trường rừng và du lịch sinh thái. Với mục tiêu “Từ trồng rừng đến sản phẩm,” công ty đã đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại lợi ích cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Thích ứng để nắm bắt cơ hội
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững, áp dụng các quy trình và công nghệ thân thiện với môi trường, hướng tới một nền lâm nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị chia sẻ, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, trọng tâm là cải thiện chất lượng rừng, nâng cao năng suất và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào chuỗi cung ứng xanh sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường quốc tế. Thị trường EU và Mỹ dự kiến sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon, yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn về phát thải. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi sang sản xuất xanh.
Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên cả nước ổn định ở mức 42,02%, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5% đến 5,5%, và đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD vào năm 2024. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời phát triển các dự án về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+).
Với vai trò quan trọng trong cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái, và cân bằng hệ sinh thái, rừng Việt Nam đang đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế và xã hội. Ngành lâm nghiệp Việt Nam cam kết sẽ không ngừng cải thiện để vừa bảo đảm phát triển kinh tế lâm nghiệp ổn định vừa bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng.
Duy Trinh (t/h)