Tăng cường phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP trên địa bàn Hà Nội

author 06:50 17/04/2018

(VietQ.vn) - Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát về ATTP, Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về ATTP, tác hại của thực phẩm không an toàn cho cả người sản xuất và tiêu dùng.

Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là lĩnh vực quan trọng, bởi thực phẩm không an toàn tác động trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng, cho nên các cơ quan chức năng không chỉ ráo riết, quyết liệt trong Tháng hành động mà cần quan tâm công tác này vào tất cả các thời điểm trong năm .

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có tới 66 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Riêng trong quý I/2018, các đoàn kiểm tra về ATTP đã kiểm tra hơn 19 nghìn cơ sở, phát hiện gần 4.700 cơ sở vi phạm, phạt hành chính 2.500 cơ sở, quyết định đóng cửa 28 cơ sở. Các sai phạm chủ yếu rơi vào các cơ sở sản xuất theo thời vụ, chưa bảo đảm điều kiện sản xuất, người lao động chưa được tập huấn kiến thức về ATTP, chưa được kiểm tra sức khỏe định kỳ…

Từ nay đến ngày 15/5, TP Hà Nội triển khai Tháng hành động vì ATTP với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Chương trình là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền nhiễm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.

Các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Bảy đơn vị thuộc các sở, ban, ngành liên quan và các cơ quan truyền thông của Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phối hợp triển khai các nhiệm vụ trong chương trình này.

TP Hà Nội triển khai Tháng hành động vì ATTP với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Ảnh minh họa

Với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” gắn liền với nội dung của Nghị định 15/2018/NÐ-CP (doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về sản phẩm thực phẩm của đơn vị mình trước khi đưa ra thị trường), các cơ quan chức năng sẽ chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm, kiểm soát vấn đề ATTP ngay từ đầu vào.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào những vấn đề cụ thể, chi tiết, như: xem xét các nội dung về giấy chứng nhận và hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật; nắm bắt, xác minh nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; lấy mẫu xét nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng... Việc kiểm tra theo kế hoạch sẽ chuyển mạnh sang kiểm tra đột xuất.

Do đó, bên cạnh việc phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát một cách nghiêm túc, sát sao, các đơn vị, đoàn thể, tổ chức xã hội… cần tăng cường công tác truyền thông thích hợp để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về ATTP; các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định điều kiện ATTP và kiến thức khoa học về ATTP, tác hại của thực phẩm không an toàn cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Vận động quần chúng nhân dân trong việc giám sát, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về ATTP.

Cùng với việc kiểm tra xử lý, các cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh khắc phục hạn chế để bảo đảm tuân thủ đúng quy định về ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ðồng thời, biểu dương, công nhận các cơ sở làm tốt công tác ATTP để người tiêu dùng biết đến và lựa chọn.

 Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang