Tăng cường quốc tế hóa đào tạo nhân lực ngành điện hạt nhân

author 15:50 22/07/2015

(VietQ.vn) - Nhiều năm qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia trong việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Theo báo Hà Nội Mới, các nước như Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Hungary, Pháp,... và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã giúp đỡ Việt Nam đào tạo nhân lực về năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng ở cả quy mô ngắn hạn lẫn dài hạn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 - cho biết, để chuẩn bị nhân lực cho việc vận hành các nhà máy ĐHN sắp tới, từ năm 2004 đến nay, EVN đã cử gần 200 lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về nhiều lĩnh vực khác nhau tại các quốc gia có kinh nghiệm xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy ĐHN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… EVN cũng lựa chọn và cử cán bộ, nhân viên ngành điện có thành tích học tập tốt đi đào tạo kỹ sư chuyên ngành ĐHN tại Đại học Năng lượng Mátxcơva (Nga).

Đặc biệt, từ nhiều năm qua, với vai trò là đối tác xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) đã đẩy mạnh các kế hoạch đào tạo nhân lực ĐHN cho Việt Nam.

Các du học sinh Việt Nam tham gia học tập tại Nga

Các du học sinh Việt Nam tham gia học tập tại Nga. Ảnh Hà Nội Mới

Trong khi đó, tháng 1/2015, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Westinghouse (Mỹ) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Sự kiện này là bước triển khai cụ thể, tạo ra một bước tiến mới trong quá trình hợp tác đào tạo chuyên gia cho lĩnh vực NLNT, sau khi Việt Nam - Mỹ đã đạt được bản Thỏa thuận hạt nhân dân sự hồi tháng 5/2014.

Tin tức khác có liên quan, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT cho rằng trong nhóm ASEAN, Việt Nam nhiều khả năng sẽ là nước đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong khu vực vào năm 2020.

Việt Nam là quốc gia tích cực nhất trong vấn đề này, hiện nay đang chuẩn bị quy hoạch, huấn luyện đội ngũ kỹ thuật và tạo lập khung pháp lý riêng cho nhà máy điện hạt nhân. Trước đó, Việt Nam đã ký một thỏa thuận hợp tác song phương (bao gồm cả tài trợ về tài chính) với Nga trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là tên gọi chung của chuỗi hai nhà máy điện hạt nhân I và II đang trong dự án xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, nhà máy điện hạt nhân I và II sẽ được khởi công vào tháng 12 năm 2014 và hoàn thành vào năm 2022 (phát điện vào cuối năm 2020). Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008.

Sau Việt Nam, Quy hoạch điện lực Thái Lan cũng dự kiến sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2026. Tuy nhiên các dự án này gặp phải nhiều ý kiến phản đối do vấp phải hạn chế trong nguồn tài nguyên năng lượng của Thái Lan (điều được xem là điều kiện tiên quyết cho các chương trình phát triển điện hạt nhân). Dự báo, phải đến năm 2030, Thái Lan mới có dòng điện đầu tiên từ năng lượng hạt nhân.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang