Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi

author 15:35 30/10/2021

(VietQ.vn) - Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp giảm thiểu chi phí xử lý các vấn đề môi trường, nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đảm bảo xuất khẩu.

Đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp cuối năm

Tại Diễn đàn chia sẻ thông tin, kết nối giao thương sản phẩm chăn nuôi sáng 30/10/2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết, thời gian qua, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như: giá thịt lợn hơi, thịt gia cầm xuống thấp, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nguồn nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống bị ùn ứ, khó lưu thông tại một số địa phương.

Trong bối cảnh chỉ còn 3 tháng nữa là đến Tết cổ truyền Nhâm Dần- thời điểm nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng khoảng 10-15%, việc đảm bảo nguồn cung các sản phẩm thịt, trứng, sữa dịp cuối năm là rất cần thiết.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, giúp giảm thiểu chi phí xử lý các vấn đề môi trường 

Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart), các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cần đa dạng các sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn, có thể chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt. Đến năm 2025, công ty sẽ có khoảng 10.000 điểm bán. Bên cạnh đó, Nutri Mart cũng đẩy mạnh nhiều công nghệ như AI, blockchain…, để suốt 12 tháng trong năm có thể bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân- bà Hằng chia sẻ.  

Về phía tỉnh Bình Dương, ông Phạm Văn Bông- Phó Giám đốc Sở NN%PTNT Bình Dương cho biết, trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nhưng tình hình chăn nuôi của Bình Dương vẫn được duy trì ổn định. Đến nay, ngành chăn nuôi của tỉnh thực hiện theo hướng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung. Tỉnh cũng tập trung thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn GAP và khuyến khích chăn nuôi hữu cơ.

Dự kiến đến Tết Nhâm Dần 2022, nguồn cung ứng thịt sẽ được đảm bảo do tỉnh đã có những chính sách khuyến khích người chăn nuôi từ bây giờ- ông Phạm Văn Bông khẳng định và bày tỏ mong muốn Bộ NN&PTNT sẽ có thêm hỗ trợ về chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các khu giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ xuất khẩu. Từ đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chủ trương phát triển chăn nuôi tập trung để phát triển tốt về quy mô và đảm bảo được cả vấn đề môi trường trong chăn nuôi.

Là một trong số những địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi thời gian qua, trong đó có thế mạnh về đàn lợn và bò thịt, ông Lê Bá Thành- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết, tăng trưởng nông nghiệp tỉnh đạt khoảng 5,1%, nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh chỉ chiếm khoảng 46% sản lượng, tỷ lệ cung cấp cho các tỉnh khác là 54%.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguy cơ xuất hiện trở lại của dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống bị ùn ứ, khó lưu thông tại một số địa phương. Tuy nhiên, hiện sản lượng thịt, trứng, sữa rất lớn. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cam kết, mục tiêu 5,8 triệu tấn thịt các loại, 1,2 triệu tấn sữa và 16 tỷ quả trứng sẽ đạt được.

Cân đối lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi

Nhấn mạnh cần có phương án cân đối lợi nhuận cho các khâu trong chuỗi sản xuất chăn nuôi, GS Lã Văn Kính- Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi- cho biết hiện nay, sự phân bổ lợi ích trong chuỗi sản xuất chăn nuôi rất bất hợp lý, trong khi giá lợn hơi rất rẻ thì giá thịt lợn thành phẩm ngoài thị trường lại rất cao.

Theo ông Kính, trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay thì người chăn nuôi là người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Lấy ví dụ ở Đài Loan, giá thức ăn chăn nuôi không phải do các công ty tự quyết mà còn có sự kiểm soát của cơ quan quản lý: “Nếu muốn tăng giá họ phải xin phép và chứng minh được giá đầu vào, chi phí tăng nên mới phải điều chỉnh giá và khi được cơ quan quản lý cho phép mới được tăng giá bán sản phẩm”- ông Kính bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc để cân đối được lợi nhuận cho các khâu tham gia vào chuỗi sản xuất chăn nuôi.

Cho biết doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín đang gặp khó, ông Lê Thanh Phương- Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam thông tin, hiện giá bán heo đang thấp hơn giá thành khoảng 20.000 đồng/kg. Giá bán gà lông trắng, gà lông màu đều dưới giá thành khoảng 10.000 đồng/kg. Ngay cả trứng gà, mặt hàng từng nổi lên cơn sốt giá khi TP HCM đóng cửa nay cũng rớt giá chỉ còn 1.250 đồng/quả, thấp hơn giá thành 600 đồng/quả. Những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín như Emivest với hệ thống sản xuất cám, thuốc thú ý, giống gà, heo cũng đang rơi vào tình thế khó khăn.

Giá thức ăn gia súc tăng hơn 30%, tương lai còn có thể kéo dài tình trạng không giảm. Giá nhân công cũng tăng. Giá đầu tư an toàn sinh học, phòng dịch bệnh cũng không giảm. Giá bán không tăng được do sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp đang chịu tổn thất nặng nề. Điều may mắn là việc mua bán theo truyền thống đang có dấu hiệu hồi phục- ông Phương nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt của ngành chăn nuôi là tập trung tái đàn, sớm ngăn chặn xu hướng giảm của đàn lợn, đàn gia cầm khi các tỉnh, thành phố mở cửa trở lại sau giãn cách.

Chi phí thức ăn chăn nuôi chi phối khoảng 65 – 70% giá thành sản xuất, nếu không giải quyết được vấn đề này thì rất khó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khoảng 60%.

Khẳng định “Khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, khoa học công nghệ cần phải thể hiện được vai trò để tạo động lực để phát triển ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp giảm thiểu chi phí xử lý các vấn đề môi trường, nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đảm bảo xuất khẩu.

Nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang