Tăng hiệu quả truy xuất nguồn gốc, bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, kém chất lượng

author 06:57 07/06/2025

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường các chuyên gia cho rằng việc luật hóa quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm là bước đi cấp thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng.

Hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi trên thị trường - người tiêu dùng trả giá vì thiếu công cụ xác thực

Không khó để bắt gặp những sản phẩm được rao bán là “chính hãng 100%” nhưng có giá chỉ bằng một phần ba so với hàng thật trên các sàn thương mại điện tử hoặc các nền tảng mạng xã hội. Các dấu hiệu như mã vạch, tem QR, bao bì, nhãn mác đều được làm giả tinh vi, khiến ngay cả người tiêu dùng cẩn trọng cũng khó nhận biết thật - giả.

Số liệu từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho thấy, chỉ trong tháng 5/2025, cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, trong đó có hơn 1.100 vụ liên quan đến hàng giả và hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Những con số này cho thấy mức độ phổ biến và phức tạp của vấn nạn hàng giả, cũng như sự cấp thiết của các giải pháp công nghệ nhằm kiểm soát và truy vết hàng hóa hiệu quả hơn.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đơn cử mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra tại Công ty cổ phần Nhà máy y tế EBC Đồng Nai (Khu công nghiệp Giang Điền) để điều tra, xử lý theo quy định. Đơn vị này từng cho ra thị trường số lượng lớn kem chống nắng nhưng khi được kiểm định chất lượng thì không đạt chuẩn.

Vấn đề thực phẩm còn được quan tâm hơn bao giờ hết trước nghi vấn heo bệnh không được xử lý đúng cách tại Hậu Giang liên quan đến Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam. Hay liên tiếp vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất cũng khiến người tiêu dùng hoang mang về nguồn gốc xuất xứ. Do đó, yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải tiến hành gắn mã vạch cho sản phẩm từ khâu nguyên liệu đến sản xuất trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Truy xuất nguồn gốc - giải pháp công nghệ then chốt bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu

Trước bối cảnh thị trường phức tạp, Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bao gồm: truy xuất nguồn gốc, nhãn điện tử, hộ chiếu số, công nghệ mới… Giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong thực thi.

Tại Điều 7c, dự thảo Luật làm rõ nguyên tắc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, truy xuất bắt buộc áp dụng với hàng hóa có mức độ rủi ro cao do Bộ quản lý chuyên ngành xác định, đồng thời có lộ trình thực hiện để phù hợp năng lực doanh nghiệp. Các sản phẩm còn lại có thể thực hiện truy xuất tự nguyện. Nguyên tắc truy xuất phải đảm bảo không làm phát sinh thủ tục hành chính, không cản trở lưu thông hàng hóa và thống nhất với các luật liên quan như hải quan, thương mại, thuế, phòng vệ thương mại. Dự thảo quy định việc cập nhật thông tin hàng hóa nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý. Đây được xem là tiền đề pháp lý quan trọng để thúc đẩy truy xuất nguồn gốc trở thành công cụ phổ biến, minh bạch và có tính ràng buộc.

Truy xuất nguồn gốc giải pháp bảo vệ người tiêu dùng trước ma trận hàng giả. Ảnh minh họa

Ông Trần Ngọc Trung - phụ trách Văn phòng đại diện phía Nam của Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (NBC) cho rằng, truy xuất nguồn gốc không chỉ là một giải pháp kỹ thuật, mà còn giúp “nâng cao trải nghiệm tiêu dùng đáng tin cậy, thuận tiện và đầy cảm xúc”. Dù các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, cảm biến IoT đã được ứng dụng, nhưng Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn do thiếu quy chuẩn thống nhất và hành lang pháp lý rõ ràng cho hệ thống truy xuất.

Theo ông Trung, NBC đang tích cực kết nối doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm chuẩn hóa dữ liệu, xây dựng hệ thống truy xuất có thể tích hợp nhiều nền tảng. Một số mô hình ứng dụng công nghệ truy xuất hiện đã được triển khai hiệu quả: cua Năm Căn (Cà Mau) áp dụng blockchain, cà phê Tây Nguyên gắn chip từng rẫy, sầu riêng Bình Phước tích hợp RFID để theo dõi quá trình vận chuyển - bảo quản - tiêu thụ. Những mô hình này cho thấy tiềm năng mở rộng ra nhiều ngành hàng khác.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Quân - Giám đốc Công ty công nghệ Checkee nhấn mạnh: truy xuất nguồn gốc là “giải pháp then chốt” giúp doanh nghiệp xây dựng niềm tin thị trường, bảo vệ thương hiệu và gia tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nhỏ vẫn ngại đầu tư vì e ngại chi phí, thiếu chuyên môn và chưa thấy giá trị tức thời.

Theo ông Quân, để triển khai truy xuất hiệu quả, doanh nghiệp cần thực hiện 5 bước gồm: Đánh giá hiện trạng số hóa thông qua quy trình, công nghệ và nhân lực; Xây dựng lộ trình chuyển đổi số với ưu tiên về nhu cầu và hiệu quả; Lựa chọn công nghệ hoặc phần mềm phù hợp quy mô và ngành; Đào tạo, chuyển đổi nhân lực theo hướng tăng nhận thức và kỹ năng số; Đo lường và cải tiến liên tục thông qua những chỉ số mục tiêu đạt được cũng như phản hồi từ khách hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên kết hợp các công nghệ như cảm biến IoT, mã QR, RFID, blockchain cùng phần mềm quản lý dữ liệu số để tạo ra hệ thống truy xuất minh bạch, kết nối được với người tiêu dùng đầu cuối. Các ứng dụng di động có thể là cầu nối giúp người tiêu dùng quét mã và kiểm tra thông tin chính xác, đồng thời cung cấp cảnh báo nếu phát hiện bất thường.

Việc luật hóa quy định về mã số, mã vạch như đề xuất từ Bộ Khoa học và Công nghệ không chỉ tạo khuôn khổ pháp lý cho truy xuất, mà còn là bước chuẩn bị để tích hợp hệ thống này vào các cơ quan kiểm tra, hải quan, thuế, thúc đẩy thương mại điện tử và xuất khẩu chính ngạch.

Theo các chuyên gia, nếu được triển khai đồng bộ và giám sát chặt chẽ, truy xuất nguồn gốc sẽ là "lá chắn công nghệ" chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và mở cánh cửa hội nhập sâu rộng hơn cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang