Ứng dụng GAP để tăng năng suất chất lượng ngành thủy sản ở Thái Nguyên

author 19:34 25/03/2016

(VietQ.vn) - Để tăng năng suất chất lượng ngành thủy sản, Thái Nguyên ứng dụng mô hình nuôi cá tổng hợp trong ao theo hướng GAP, sử dụng chế phẩm sinh học,…

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trao đổi với TTXVN, ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, những mô hình thâm canh thủy sản chất lượng cao đang được các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh nhân rộng để hoàn thành mục tiêu phát triển sản xuất thuỷ sản theo hướng hàng hoá tập trung, tăng diện tích thâm canh và bán thâm canh chất lượng cao với các giống có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, nâng cao năng lực sản xuất cá giống của tỉnh, đáp ứng 90% nhu cầu giống, sản xuất cá giống đạt 80 triệu con/năm.

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản mở rộng diện tích nuôi thâm canh lên hơn 900 ha và diện tích nuôi bán thâm canh đạt trên 2.300 ha, phát triển nuôi cá lồng tại các hồ có diện tích mặt nước lớn như: Núi Cốc, Vai Miếu, Bảo Linh, Suối Lạnh, Nước Hai,... với quy mô từ 8.000 đến 10.000 m3 lồng nuôi. Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất thủy đạt hơn 690 tỷ đồng.

Phát triển thủy sản hàng hóa, thâm canh chất lượng cao là mục tiêu, hướng đi tất yếu của tái cơ cấu thủy sản tại Thái Nguyên...

Phát triển thủy sản hàng hóa, thâm canh chất lượng cao là mục tiêu, hướng đi tất yếu của tái cơ cấu thủy sản tại Thái Nguyên...

Là tỉnh trung du miền núi, ít có lợi thế về nuôi trồng thủy sản nhưng hiện nay Thái Nguyên đã đưa vào sử dụng hơn 5.800 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản; sản lượng thủy sản đạt khoảng 8.300 tấn/năm, giá trị hàng hóa ước đạt 330 tỷ đồng/năm. Trong nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi thâm canh đạt hơn 350 ha, năng suất trung bình 6 tấn/ha và nuôi bán thâm canh trên 1.400 ha, năng suất đạt 2,7 tấn/ha, chủ yếu chăn nuôi các giống loài thủy sản truyền thống như: mè, trôi, trắm, chép…

Để đẩy mạnh chăn nuôi thủy sản, hiện tại, Trung tâm thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được 6 trại sản xuất giống thủy sản và mạng lưới mương nuôi, dịch vụ giống thủy sản tại các huyện trong tỉnh. Các cơ sở sản xuất giống cung ứng trên 500 triệu cá bột và 50 triệu cá giống mỗi năm, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu nuôi của tỉnh; đồng thời cung cấp giống cá cho một số tỉnh lân cận.

Theo đánh giá của tỉnh Thái Nguyên, hạn chế lớn trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn hiện nay đó là việc chưa tận dụng hết diện tích mặt nước vào nuôi trồng thủy sản, mới sử dụng 81% diện tích mặt nước hiện có, năng suất nuôi còn thấp so với tiềm năng, mới có gần 7% diện tích được nuôi thâm canh, còn lại là nuôi bán thâm canh và nuôi quảng canh, chưa phát triển nuôi cá lồng trên các hồ chứa lớn và các sông suối, giống loài thủy sản có giá trị kinh tế cao mới chỉ chiếm 30% trong cơ cấu giống thủy sản đang được chăn nuôi đại trà.

Để khắc phục điều này, công tác nghiên cứu khoa học và khuyến ngư đã tạo ra những giống loài nuôi mới và kỹ thuật nuôi tiên tiến, áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong 3 năm (2013-2015), từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên đã triển khai hỗ trợ các mô hình phát triển thủy sản như mô hình nuôi cá tổng hợp trong ao theo hướng  GAP; mô hình nuôi cá ao thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học; mô hình nuôi cá trong hồ chứa nhỏ; nuôi cá diêu hồng trong ao; nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính đực…

Để nâng cao năng suất chất lượng ngành nuôi trồng thủy sản, Thái Nguyên tập trung đầu tư nghiên cứu khoa học và khuyến ngư

Để nâng cao năng suất chất lượng ngành nuôi trồng thủy sản, Thái Nguyên tập trung đầu tư nghiên cứu khoa học và khuyến ngư

Đó chính là cơ sở để đẩy mạnh việc thực hiện chương trình phát triển, nuôi thủy sản hàng hóa đối với các hồ chứa thủy lợi. Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Xí nghiệp Thủy sản Núi Cốc cho biết, trước đây việc khai thác diện tích mặt nước hồ Núi Cốc vào nuôi trồng thủy sản gần như bỏ ngỏ. Hai năm trở lại đây, mỗi năm, đơn vị đã thả xuống lòng hồ 10 tấn cá giống. Kết quả, mỗi năm, dù mới khai thác chọn lọc nhưng đã mang lại giá trị 400 - 500 triệu đồng.

Đặc biệt, xí nghiệp đã liên kết nuôi thả cá lồng trên lòng hồ. Hiện tại, mô hình liên kết đang chăn thả 70 lồng gồm các loài trắm, trôi, mè, chép, rô phi… Chính vì vậy, chương trình liên kết đang tiếp tục được mở rộng với quy mô hàng trăm lồng cá mới với các giống đa dạng hơn như cá chiên, cá lăng, cá nheo,… Đương nhiên, việc phát triển sẽ tiếp tục được mở rộng thêm tại các hồ chứa lớn khác trên địa bàn.

Minh Thùy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang