Tập trung phát triển thị trường, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu

author 07:35 01/04/2023

(VietQ.vn) - Quý I/2023, xuất khẩu của các ngành hàng đều trong xu hướng giảm. Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Thương vụ tập trung dự báo tình hình tinh tế nước sở tại, tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu.

Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023. Hội nghị lần này nhằm mục tiêu đánh giá tình hình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nước ngoài trong quý I/2023, đồng thời cập nhật các thông tin thị trường xuất khẩu, bàn thảo các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong thời gian tới.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tập trung phát triển thị trường

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, bước vào 2023 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng có xu hướng suy giảm bởi lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm trên phạm vi toàn thế giới. Một số chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chịu tác động ngày một tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này.

Mặc dù vậy, từ đầu năm tới nay, nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng 3,32% (giảm so với cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13,9%, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thị trường trong nước đạt kết quả tương đối tốt nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13,9% nhưng xuất siêu tới 4,07 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,9 tỷ USD).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá ít nhất bằng cùng kỳ năm 2022; các Thương vụ tập trung dự báo tình hình kinh tế nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu cho Bộ, Chính phủ đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, doanh nghiệp; đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người sản xuất để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước.

Thương vụ cập nhật thông tin nước sở tại

Tại hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã cập nhật thông tin thị trường giúp doanh nghiệp xuất khẩu nắm rõ và điều chỉnh sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

Cập nhật thông tin về thị trường Hoa Kỳ- Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho biết, năm 2022 và 02 tháng đầu năm 2023 là giai đoạn kinh tế thế giới nói chung và khu vực thị trường Hoa Kỳ nói riêng gặp nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen. Tuy nhiên, nhìn chung, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì động lực tăng trưởng đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.

Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ tập trung ở phương diện khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng  mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hai nước, hạn chế tác động tiêu cực, dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan; ngoài ra, xử lý các vụ việc liên quan tới các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó thích hợp với các biện pháp phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ áp dụng trong thời gian vừa qua.

Đối với thị trường Canada, Tham tán Thương mại Trần Thu Quỳnh cho hay, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Canada là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khối G7, duy trì được tăng trưởng việc làm, khống chế được lạm phát, nhờ đó nhu cầu nhập khẩu của địa bàn vẫn được duy trì ở mức cao.

Theo số liệu sở tại, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong Asean sang địa bàn. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, trừ mặt hàng thuỷ sản giảm 26%.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Quỳnh, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn có thể bị tác động bởi nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan. Canada tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, vì vậy, có nhiều đối thủ cạnh tranh có cùng mặt hàng và lợi thế về thuế quan nên hàng hoá Việt Nam dễ bị thay thế kể cả khi đã vào được thị trường. Phong trào “Buy local” để giảm dấu chân carbon trong tiêu dùng được ủng hộ mạnh ở Canada cũng đang trở thành một hình thức gia tăng bảo hộ mới.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Theo Cục Xúc tiến Thương mại, dự báo tình hình quốc tế thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu…;

Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới…

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình quốc tế và trong nước, dự báo sát tình hình từ cuối năm 2022 và đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; Hỗ trợ thông tin ở từng thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống; Tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới; Triển khai nhiều hoạt động và các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ sản phẩm…

Trong đó, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài là một trong những hoạt động được Bộ Công Thương chú trọng thực hiện liên tục định kỳ hàng  tháng, đã trở thành diễn đàn kết nối, cập nhật thông tin thị trường nước ngoài hữu ích, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu thiết thực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đối với các cơ quan chính phủ, địa phương và doanh nghiệp trong nước.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang