Tập trung vào chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp tự tin chinh phục thị trường tiềm năng

author 14:03 21/12/2022

(VietQ.vn) - Thị trường châu Âu không dành cho tất cả doanh nghiệp mà chỉ dành cho doanh nghiệp sẵn sàng về nhân lực, tài chính, năng lực sản xuất. Do đó, doanh nghiệp cần xác đây không phải thị trường “ăn xổi” bằng các đơn hàng giá rẻ mà cần phải tập trung vào chất lượng, sự bền vững.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU rất tích cực, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng hai chỉ số là kết quả đáng khích lệ ngay sau khi EVFTA được thực thi.

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, khả năng tận dụng ưu đãi từ Hiệp định của các doanh nghiệp đang từng bước được cải thiện sau hai năm Hiệp định có hiệu lực. Ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi.

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho thấy tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo Hiệp định EVFTA đạt 14,8% trong năm đầu, sang năm thứ hai con số này đã tăng lên 20,7%. Tính từ khi EVFTA đi vào hiệu lực đến tháng 6/2022, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 412.819 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 16,5 tỷ USD đi 27 nước EU.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng ưu đãi từ EVFTA chỉ là yếu tố hỗ trợ, để có thể thực sự tiếp cận, thâm nhập và phát triển xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU đặt ra bài toán không hề dễ dàng cho doanh nghiệp Việt bởi hạn chế về năng lực sản xuất nội tại, cũng như thiếu thông tin thị trường.

Cụ thể, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường EU do chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao của EU đặt ra từ quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc đến các vấn đề môi trường, xã hội, phát triển bền vững... Hoạt động xúc tiến thương mại nhìn chung chưa bài bản và đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tìm kiếm khách hàng, tiếp thị sản phẩm và thâm nhập thị trường. Hàng hóa Việt Nam hiện mới đang bước đầu tiếp cận được trực tiếp một số hệ thống phân phối tại EU.

Việc tập trung vào chất lượng sản phẩm, sự bền vững giúp doanh nghiệp tự tin chinh phục các thị trường tiềm năng. Ảnh minh họa.

Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Pháp chia sẻ, hiện nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào châu Âu đang có cầu nối rất tốt và hiệu quả thông qua các hệ thống phân phối nước ngoài. Tuy nhiên, việc đưa hàng vào các kênh phân phối là cả câu chuyện dài, đòi hỏi doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản và định hướng lâu dài; ngoài việc tuân thủ quy định, tiêu chuẩn của thị trường, còn phải đáp ứng các yêu cầu riêng của từng nhà phân phối.

Theo ông Vũ Anh Sơn, sau đại dịch và những ảnh hưởng của biến động chính trị, nhiều hệ thống phân phối có xu hướng tìm kiếm các chuỗi cung ứng gần để dễ kiểm soát, dễ kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển, hướng tới phát triển bền vững. Nắm bắt xu hướng đó, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày cần có chiến lược khai thác thị trường hiệu quả.

Việc bán sản phẩm vào châu Âu dưới thương hiệu Việt Nam gần đây có nhiều tín hiệu khả quan, trong đó hệ thống phân phối là mắt xích cuối cùng để tiếp cận người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường châu Âu, đặc biệt là Pháp không dành cho tất cả doanh nghiệp mà chỉ dành cho doanh nghiệp sẵn sàng về nhân lực, tài chính, năng lực sản xuất. Do đó, doanh nghiệp cần xác định đây không phải thị trường “ăn xổi” bằng các đơn hàng giá rẻ mà cần tập trung vào chất lượng, sự bền vững.

Một ý kiến nữa của ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, khi xuất khẩu vào thị trường phát triển, kết nối là điều kiện cần thiết và rất quan trọng nhưng làm thế nào để kết nối và tham gia vào chuỗi giá trị là vấn đề cần quan tâm.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho doanh nghiệp trong nước. Để tiếp cận thị trường EU, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã định hướng “dễ làm trước khó làm sau”. Đây là định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, khi vào thị trường EU có những điều không thể “dễ làm truóc khó làm sau” mà phải đầu tư bài bản, chú trọng đến sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động.

Do đó, chúng ta muốn đứng vững trên thị trường EU, 1 mình doanh nghiệp không làm được mà phải bằng định hướng chiến lược rõ ràng. “Một số nước trong khu vực ASEAN đang tích cực đàm phán với EU, nếu Việt Nam không tận dụng lợi thế của người đi trước, sau này chúng ta sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt. Do vậy, doanh nghiệp cần thiết phải đầu tư theo chiều sâu, dành nguồn lực xứng đáng”, ông Nam khuyến nghị.

Ông Tô Hoài Nam nêu quan điểm, kết nối có hai phương thức là theo chiều ngang và chiều dọc. Điều quan trọng ở đây là kết nối theo chiều dọc. Mỗi doanh nghiệp phải đảm nhận tốt phần của mình trong chuỗi cung ứng. Cùng với đó công tác tuyên truyền, cách tiếp cận thông tin của doanh nghiệp hiện rất khác nhau. Với vai trò chủ trì thực hiện chính sách, kế hoạch thực thi EVFTA, thiết nghĩ ngành Công Thương cần đảm đương được công tác tuyên truyền một cách hiệu quả, phải điều tra, khảo sát một cách khoa học, tỉ mỉ để cung cấp thông tin hữu hiệu nhất cho doanh nghiệp về EVFTA.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang