Taxi truyền thống ‘căng mình’ cải tiến để trụ lại trước Grab, Uber

author 11:13 08/10/2017

(VietQ.vn) - Các hãng taxi truyền thống đã có nhiều thay đổi để cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ, nhưng nhiều người tiêu dùng cho rằng việc cải tiến này chưa đáp ứng kỳ vọng của khách hàng.

Theo báo Tuổi trẻ, trong khi các hãng taxi cho biết gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc trong cơ chế dù đã chuyển mình theo xu hướng mới, bản thân các tài xế taxi cũng bị "kẹt" bởi sự cải tiến chưa đồng bộ.

Khách đi Taxi khó thỏa thuận giá trong khi taxi công nghệ chốt rồi lại tăng giá

Ông Nguyễn Hữu Vinh (quận 3, TP.HCM) thừa nhận các hãng taxi đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây như trang bị phần mềm kết nối tài xế với hành khách, cho phép khách hàng được thỏa thuận giá trước... nhưng những cải tiến này vẫn chưa mang lại tiện ích cho người dùng. Bởi cùng một quãng đường, số tiền phải trả cho taxi thường cao hơn.

Taxi truyền thống ‘căng mình’ cải tiến để trụ lại trước Grab, Uber

Nhiều khách hàng cho rằng các hãng taxi đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây - Ảnh: Duyên Phan/Tuổi trẻ .

Theo anh Trần Thanh Tùng (quận 9), giải pháp cho thỏa thuận giá của các hãng taxi là không thực tế bởi phần lớn khách đi taxi thường xuyên là giới trí thức hay văn phòng nên rất ngại việc trả giá.

Ngay cả khi đã thỏa thuận được giá, theo chị Phương Linh (quận 4), nhiều tài xế vẫn bật đồng hồ tính tiền với lý do "làm theo quy định". Khi đến nơi, nếu đồng hồ tính giá cước cao hơn số tiền đã thỏa thuận, tài xế lại "xin thêm".

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng thừa nhận các hãng taxi công nghệ (Grab, Uber) cũng gây không ít khó chịu như tăng giá vào các giờ cao điểm hoặc khi thời tiết không thuận lợi như mưa, kẹt xe... hay vào trung tâm TP.

Lãnh đạo một hãng taxi có tiếng trên thị trường khẳng định không phản đối Grab hay Uber, nhưng số lượng xe này phát triển quá nhanh đã phá vỡ mọi quy hoạch về hạ tầng, giao thông.

Cũng theo vị này, bản thân các hãng taxi cũng liên tục cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ và hạ cước phí.

Chẳng hạn, hãng đã xây dựng phần mềm hỗ trợ đặt xe giúp khách hàng tải và cài đặt trên điện thoại một cách dễ dàng, cho phép khách hàng biết được số lượng các xe đang có mặt gần nhất kèm với các thông số như thời gian xe có mặt đón khách, số xe, biển số xe, số điện thoại tài xế...

Tuy nhiên, nhiều tài xế taxi cho rằng các hãng cần phải điều chỉnh thêm để không gây khó khăn cho tài xế và hành khách phản ứng.

Anh Quốc Vinh, tài xế một hãng taxi, cho biết dù được hãng xe khoán doanh thu, tức là cho thỏa thuận giá với khách nhưng khi tính thuế thu nhập cá nhân, hãng xe lại căn cứ theo đồng hồ tính tiền với tỉ lệ 4,5%/doanh thu.

"Nếu doanh thu thực mà tài xế nhận được theo thỏa thuận với khách thấp hơn doanh thu do đồng hồ ghi nhận, chắc chắn tài xế bị thiệt thòi khi nộp thuế nên chúng tôi buộc phải xin thêm tiền của khách nếu giá thỏa thuận thấp hơn giá cước" - anh Vinh thừa nhận.

Không chỉ bị sụt giảm doanh thu, nhiều tài xế taxi cho biết phải chịu sức ép chi phí "cứng" mà bản thân các tài xế phải chi ra.

Theo một chuyên gia ngành thuế, các hãng taxi cũng gặp khó khi chuyển mình vì một bên là các hãng công nghệ không phải đầu tư xe cộ và không phải khấu hao gì, trong khi các hãng taxi phải đầu tư xe, cơ sở vật chất, bộ máy... nên chi phí cứng rất lớn.

Theo ông Nguyễn Công Hùng (phó tổng giám đốc Hãng taxi Open): Không những không được trợ giá, taxi còn phải gánh nhiều chi phí như thuê trụ sở đặt tổng đài, nhân viên trực tổng đài lệ phí khi đăng ký taxi như ôtô thông thường, đóng bảo hiểm xã hội cho hàng trăm nhân viên... Tất cả đều tính vào giá cước.

Trong khi đó, Grab hay Uber không phải mất các chi phí này nên giá cước mềm hơn.

“Nếu không phải chịu gánh nặng chi phí và được cạnh tranh sòng phẳng, chúng tôi không thua Grab hay Uber. Tuy vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để trụ lại, liên tục cải tiến, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ và giảm cước phí cho hành khách” – ông Hùng nói.

Tài xế taxi "một cổ nhiều tròng"

Theo báo Lao động, ngay sau khi Hiệp hội Taxi Hà Nội có đơn kiến nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại xe taxi công nghệ tại các địa phương trong tháng 9.2017, hàng loạt xe taxi của các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vina, Mỹ Đình, Sao Thủ Đô… dán băng rôn dán ở đuôi xe có nội dung: "Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch" xuất hiện trên đường phố Hà Nội.

Anh Nguyễn Quang Tường – tài xế taxi Vina không đồng tình với chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý, kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, nên đã dán băng rôn vào đuôi xe biểu thị ý kiến với cơ quan chức năng, mong muốn Bộ GTVT có giải pháp, phương hướng hợp lý trong hoạt động chung của taxi.

Anh cho biết, hiện nay, tài xế taxi truyền thống phải chịu cảnh "một cổ nhiều tròng", cộng thêm việc lượng khách hàng giảm sút, khiến cho “hầu bao” của họ trở nên thất thu.

Taxi truyền thống ‘căng mình’ cải tiến để trụ lại trước Grab, Uber

Lái xe taxi truyền thống. Ảnh: Cường Ngô/báo Lao động.

Muốn trở thành lái xe taxi của một hãng nào đó, tài xế phải đặt cọc một khoản tiền từ 10 – 15 triệu đồng, tùy chính sách mỗi công ty và làm việc để hưởng lương hàng tháng, song thu nhập từ hình thức này khá ít ỏi. Bên cạnh đó, tỷ lệ phân chia doanh thu giữa doanh nghiệp và lái xe không đồng đều, cũng khiến thu nhập của cánh lái xe lao đao.

Các tài xế tự bỏ tiền túi, chi trả các chi phí như đàm phí, phí nhiên liệu, phí vệ sinh, đóng phạt, sửa xe hay áp lực chạy đua doanh số tháng… Những áp lực “trên trời rơi xuống” đó buộc họ phải chịu giờ làm việc khắc nghiệt. Nhiều tài xế không chịu được áp lực phải bỏ cuộc chơi, chấp nhận mất tiền cọc ban đầu.

Những tài xế taxi không có điều kiện kinh tế phải mua xe trả góp của công ty thì ngoài lãi suất hàng tháng, họ còn chịu giá mua cao hơn giá xe thị trường, vì bao gồm “tệp đính kèm” là tiền thương hiệu.

Anh Tuyền – tài xế taxi Sao Hà Nội cho hay: Dù tự mua xe hay mua của công ty, tài xế đều sử dụng hình thức mua thương quyền từ các doanh nghiệp taxi và phải chịu nhiều khoản chi phí như thương hiệu hàng tháng, phí bảo hiểm, đồng phục, tiền công đoàn… tổng chi phí mất khoảng 6 triệu mỗi tháng. Trong khi đó, lượng khách hàng giảm đáng kể, việc này khiến anh chán nản.

Trong “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, thiết nghĩ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải nên chia sẻ những khó khăn với tài xế, nếu không muốn họ “dứt áo ra đi”.

Mấu chốt quan trọng để các hãng taxi truyền thống hay Uber và Grab có thể tồn tại, đó chính là khách hàng. Để phát triển taxi truyền thống cũng cần chuyển mình, thay đổi tư duy kinh doanh vận tải và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý.

 HD (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang