TCVN 8710-26:2023 về chẩn đoán lâm sàng bệnh hoại tử cơ quan tạo máu ở cá

author 05:48 18/09/2024

(VietQ.vn) - Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu do vi rút EHNV ở một số loài cá như cá rô, cá hồi...là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra không ít thiệt hại. Do đó việc chẩn đoán lâm sàng bệnh theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8710-26:2023 là cần thiết.

Vi rút EHNV thuộc chi Ranavirus trong họ Iridoviridae. Chi Ranavirus bao gồm vi rút Bohle (Bohle virus - BIV), vi rút cá da trơn châu Âu (European caffish virus - ECV), vi rút cá mòi châu Âu (European sheatfish virus - ESV) và vi rút ranavirus Santee-Cooper. Ranavirus đã được phân lập từ ếch, kỳ nhông và bò sát khỏe mạnh hoặc bị bệnh ở châu Mỹ, châu Âu và Úc. Ranavirus có virion lớn (150-180 nm), hình tứ diện, bộ gen DNA sợi đôi 150-170 kb và nhân lên trong cá nhân và tế bào chất.

Do tỷ lệ cá chết khi bị nhiễm bệnh hoại tử cơ quan tạo máu do EHNV gây ra rất cao nên việc chẩn đoán lâm sàng bệnh sớm theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8710-26:2023 sẽ giúp hạn chế mức độ thiệt hại cho người chăn nuôi.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8710-26:2023 về chẩn đoán lâm sàng bệnh hoại tử cơ quan tạo máu do EHNV ở cá do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố quy định quy trình chẩn đoán bệnh hoại tử cơ quan tạo máu do EHNV ở cá.

Để chẩn đoán bệnh lâm sàng được chính xác trước tiên nên sử dụng thuốc thử và vật liệu thử phải đảm bảo độ tinh khiết phân tích, sử dụng nước cất, nước khử khoáng hoặc nước có độ tinh khiết tương đương, trừ các trường hợp có quy định khác. Thuốc thử và vật liệu thử dùng chung ethanol từ 70 % đến ethanol tuyệt đối. 

Cá nhiễm bệnh hoại tử cơ quan tạo máu do EHNV có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ảnh minh họa

Về chẩn đoán lâm sàng, tiêu chuẩn cũng chỉ ra một số loài cá thường nhiễm vi rút này như cá vược vây đỏ, cá hồi vân, cá rô bạc, cá vược châu Âu, cá vược Macquarie, cá hồi Đại Tây Dương và một số loài cá khác. Tất cả các giai đoạn của cá đều mẫn cảm với vi rút gây bệnh EHNV nhưng ở giai đoạn cá giống và cá hồi ở giai đoạn ấu trùng thường có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng hơn. Các cơ quan đích bị nhiễm vi rút chủ yếu là thận, lá lách và gan.

Mức độ nguy hiểm của loại vi rút EHNV là có khả năng chịu khô cao, tồn tại nhiều ngày trong nước và ít nhất 113 ngày trong mô cá khô. Nó có thể tồn tại hơn 300 ngày trong môi trường nuôi cấy tế bảo ở 4°C và hai năm trong mô cá được bảo quản ở âm 20°C.

Ở cá hồi, EHNV lây truyền theo chiều ngang giữa các trang trại thông qua cá giống nhiễm bệnh hay qua nguồn nước, ở cá rô Châu Âu, EHNV lây truyền qua các phương tiện, dụng cụ vận chuyển cá sống hay mồi câu của người câu cá.

Các loài chim, gia cầm có thể là các động vật trung gian truyền bệnh bởi vi rút có thể tồn tại trong đường tiêu hóa của gia cầm trong vài giờ và có thể được truyền trong thức ăn bị nôn trớ. EHNV cũng có thể được mang trên lông, chân và mỏ chim.

Cá rô đồng đỏ rất dễ bị bệnh dịch “hoại tử cơ quan tạo máu do EHNV”, tỷ lệ mắc bệnh rất cao ở loài này và hầu hết cá bị nhiễm bệnh chết: tuy nhiên những con cá sống sót có khả năng không tái nhiễm.

Thời gian ủ bệnh đối với cá hồi vân bị nhiễm bệnh thí nghiệm là từ 3 ngày đến 10 ngày trong nhiệt độ nước 19°C đến 21°C và từ 14 ngày đến 32 ngày trong nhiệt độ nước 8°C đến 10°C. Trong thực nghiệm nhiễm bệnh ở cá rô vây đỏ, thời gian ủ bệnh là từ 10 ngày đến 11 ngày ở 19°C đến 21°C, và từ 10 ngày đến 28 ngày ở 12°C đến 18°C.

Triệu chứng lâm sàng, cá bị bệnh có dấu hiệu lâm sàng không điển hình, trong đó cá rô chết đột ngột là dấu hiệu phổ biến nhất. Cá có thể bị mất trạng thái cân bằng, ít hoạt động, bề mặt da cá bị sạm màu, có ban đỏ quanh lỗ mũi và vùng não, xuất huyết ở mang và ở gốc vây. Cá hồi nhiễm vi rút EHNV có dấu hiệu sạm đen bề mặt da cá, hôn mê, chướng bụng và mất thăng bằng, loét da, có bọng nước và tấy đỏ ở gốc vây.

Cá bị bệnh có dấu hiệu lá lách và gan sưng to, tăng dịch màng bụng và nhiều ổ hoại tử ở gan. Thỉnh thoảng lá lách nhợt nhạt và teo lại, xuất hiện đốm xuất huyết trên phủ tạng. Có các tổn thương màu trắng đến vàng khu trú ở gan tương ứng với các vùng hoại tử.

Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm bằng cách lây mẫu cá có kích thước < 4 cm nên lấy nguyên con, từ 10 con đến 15 con. Cá có kích thước từ 4 cm đến 6 cm lấy nguyên con, từ 5 con đến 10 con. Cá có kích thước > 6 cm lấy nguyên con, từ 3 con đến 5 con hoặc lấy gan, thận, lách của từ 3 con đến 5 con.

Mẫu bệnh phẩm phải được lấy vô trùng và để riêng biệt trong lọ dụng cụ chứa mẫu. Đối với các mẫu bệnh phẩm dự kiến nuôi cấy vi rút trên môi trường nuôi cấy tế bào cần giữ trong các lọ dụng cụ chứa môi trường nuôi cấy tế bào bổ sung kháng sinh.

Việc bảo quản mẫu nên ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C không quá 48h khi vận chuyển về phòng thí nghiệm hoặc bảo quản trong ethanol 70% đến ethanol tuyệt đối với tỷ lệ 1:10 (1 phần mẫu:9 phần ethanol). Trong quá trình vận chuyển các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp nuôi cấy vi rút trên môi trường nuôi cấy tế bào cần giữ trong các dụng cụ chứa môi trường nuôi cấy tế bào và bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C.

Bảo quản tại phòng thí nghiệm thì mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR (phản ứng chuỗi trùng hợp) được bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C chuyển đến phòng thí nghiệm chưa phân tích ngay phải được bảo quản ở nhiệt độ -20°C đến -80°C hoặc được bảo quản trong dung dịch muối đệm thường sử dụng trong nghiên cứu sinh học, y tế theo tỷ lệ 1:10 (1 phần mẫu: 9 phần PBS) ở nhiệt độ -20°C đến -80°C hoặc bảo quản trong ethanol từ 70% đến ethanol tuyệt đối. Mẫu xét nghiệm bằng phương pháp nuôi cấy tế bào bảo quản mẫu ở âm 80°C.

Đánh giá kết quả sau quá trình tiến hành thử nghiệm bằng các phương pháp PCR, tách chiết ADN, chạy điện di, phân lập vỉ rút trên tế bào cần kiểm tra hệ thống đối chứng âm (đối chứng tế bào). Mẫu âm tính là mẫu sau 3 lần gây nhiễm không xuất hiện bệnh lý tế bào (CPE). Mẫu dương tính là mẫu xuất hiện CPE và có kết quả thử nghiệm dương tính với vi rút EHNV bằng kỹ thuật PCR.

Theo đó cá được xác định mắc bệnh hoại tử cơ quan tạo máu do EHNV khi có những đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích đặc trưng của bệnh và có kết quả dương tính bằng phương pháp PCR với cặp mồi MCP (một dẫn xuất cyclopropene, có cấu tạo phân tử là C4H6, dễ bay hơi ở điều kiện tiêu chuẩn, không mùi) và có kết quả giải trình tự gen để khẳng định kết quả PCR hoặc có kết quả dương tính bằng phương pháp phân lập EHNV từ bệnh phẩm trên môi trường tế bào và có kết quả thử nghiệm dương tính EHNV bằng kỹ thuật PCR.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang