Tế bào gốc có để làm đẹp?

authorNgọc Hà 06:03 04/03/2020

(VietQ.vn) - Hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào về tế bào gốc trên thế giới trong làm đẹp được triển khai và công nhận nên mọi phương pháp làm đẹp bằng tế bào gốc chỉ là tự huyễn hoặc.

1.Cách làm đẹp da mặt bằng công nghệ tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là công nghệ phát hiện và phân lập, duy trì tế bào gốc để chế tạo các sản phẩm từ tế bào gốc nhằm tăng sinh số lượng và biệt hóa tế bào gốc và tạo mô, cơ quan từ tế bào gốc. Việc ứng dụng tế bào gốc và sản phẩm của nó được áp dụng vào các mục đích khác nhau. Phần lớn tế bào gốc đều của thực vật, chúng không phải của con người. Những tế bào gốc này được lấy từ rễ, gốc hoặc thân của thực vật và các tế bào này chỉ hoạt động đúng chức năng trên cây mẹ. Và nên lưu ý rằng không có tế bào gốc thực vật nào có thể phân chia hay tái sinh trên cơ thể con người. Khi nói về tế bào gốc, các nhà sản xuất mỹ phẩm thực ra muốn nói đến các hoạt chất được chiết xuất từ các tế bào gốc của thực vật, và về mặt cơ bản, các chất này chẳng có gì quá khác xa so với các chất được chiết xuất từ các tế bào thực vật.

2.Cách làm đẹp da mặt bằng công nghệ tế bào gốc trên thế giới

Công nghệ tế bào gốc với cách làm đẹp da mặt từ chế phẩm này được cho là có thể chữa được nhiều căn bệnh bởi chức năng thay thế hoặc sửa chữa những tế bào đã ngưng hoạt động, hoặc không làm việc theo đúng chức năng của chúng hoặc bị hủy hoại bởi một vài lý do nào đó. Thực tế ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, tế bào gốc và các loại mỹ phẩm từ tế bào gốc bị cấm sử dụng. Tuy nhiên, công dụng thực sự cũng như những ứng dụng của tế bào gốc vẫn còn gây nhiều tranh cãi và chưa có một quy trình điều trị thật sự nào cho bệnh nhân.

3. Không có dịch vụ nào có tên tiêm hoặc cấy tế bào gốc trong danh mục kỹ thuật được Sở Y tế cấp phép

Theo tìm hiểu, tháng 03/2015, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu rõ các thành phần có nguồn gốc từ con người thuộc danh mục các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Cho đến thời điểm hiện tại, Cục Quản lý Dược không cấp số tiếp nhận phiếu công bố cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người.

Trên thực tế trong giấy phép hoạt động và danh mục kỹ thuật do Sở Y tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cấp cho các phòng khám cũng không hề có dịch vụ nào mang tên: Tiêm, cấy làm đẹp từ tế bào gốc. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay: “Việc sử dụng tế bào gốc trong làm đẹp hiện chưa được Bộ Y tế cấp phép. Do đó các spa, phòng khám quảng cáo dịch vụ này đều là vi phạm”.

Còn ông Nguyễn Quang Trung (Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế Hà Nội) khẳng định: “Dịch vụ cấy tế bào gốc chưa nằm trong danh mục các dịch vụ được cấp phép, vì vậy, cơ sở làm đẹp nào sử dụng dịch vụ này đều là trái phép, thực hiện chui. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh do Sở Y tế cấp phép hoạt động, cấp chứng chỉ hành nghề mới được thực hiện các dịch vụ làm đẹp bằng phương pháp xâm lấn. Sở đã có công văn chỉ đạo Phòng Y tế các quận, huyện yêu cầu chấn chỉnh, rà soát về phạm vi hoạt động của các cơ sở làm đẹp”.

Cần nhấn mạnh, hiện tại trên thế giới và cả Việt Nam việc sử dụng tế bào gốc mới chỉ được áp dụng trong điều trị bệnh lý như chấn thương gân, viêm dây chằng mãn tính, chấn thương cột sống hoặc viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối, còn sử dụng trong làm đẹp thì không tài liệu nào nhắc đến.

Chưa nói đến rủi ro của việc làm đẹp từ tế bào gốc khiến lây lan những bệnh truyền nhiễm rất cao. Cũng chính vì vậy mà Bộ Y tế cấm sử dụng hệ cơ quan của con người (động vật) để sản xuất mỹ phẩm, ứng dụng làm đẹp (hiện ứng dụng tế bào gốc chỉ được thực hiện trong điều trị bệnh). Đồng thời, đối với những mỹ phẩm có nguồn gốc từ tế bào gốc không được cấp phép lưu hành. Cho nên những gì được gắn mác “tế bào gốc” hiện có trên thị trường là 100% lừa đảo và những người kinh doanh sản phẩm ấy là gian dối, vi phạm pháp luật…

4. Chế tài xử phạt!

Theo quy định tại điểm B, Khoản 6, Điều 29 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi hành nghề vượt quá giấy phép hoạt động bị xử phạt 50-70 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động từ 3-6 tháng. 

Điều 28, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định hành vi hành nghề vượt quá chứng chỉ hành nghề hoặc không có chứng chỉ hành nghề bị phạt từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ từ 3-6 tháng. 

Đầu tháng 2/2020, Viện thẩm mỹ Khơ Thị bị xử phạt 35 triệu đồng với hành vi vi phạm là “Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”. Ngoài số tiền phạt là 35 triệu đồng, cơ sở này còn bị phạt bổ sung - khắc phục hậu quả bằng cách: “Buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện".

Chất lượng Việt Nam Online sẽ tiếp tục cập nhật !

Ngọc Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang