Telegram đang trở thành mục tiêu hàng đầu của tội phạm công nghệ

author 19:27 27/09/2021

(VietQ.vn) - Ứng dụng Telegram đang là mục tiêu của những tội phạm công nghệ và kẻ xấu có ý đồ đánh cắp, bán dữ liệu riêng tư.

Cuộc điều tra mới đây của nhóm tình báo mạng Cyberint đã phát hiện ra mạng lưới hacker chuyên chia sẻ công khai dữ liệu cá nhân của hàng triệu người trong các nhóm và kênh trên Telegram với hàng nghìn thành viên. Nhóm này nhấn mạnh đã ghi nhận mức độ gia tăng của tội phạm mạng trên nền tảng này trong thời gian gần đây là hơn 100%. Sự gia tăng hoạt động của tội phạm mạng trên Telegram xuất hiện từ đầu năm 2020, thời điểm người dùng bắt đầu sử dụng ứng dụng này nhiều hơn sau khi đối thủ WhatsApp của Facebook thay đổi chính sách quyền riêng tư.

Theo Cyberint, số lượng đề cập trong Telegram về ‘Email: pass’ và ‘Combo’ (được cho là cách mà tội phạm mạng sử dụng khi chia sẻ danh sách email và mật khẩu bị đánh cắp) là gần 3.400 lượt, tăng gấp 4 lần trong năm qua.

Telegram hiện có hơn 500 triệu người dùng đang hoạt động và đứng đầu trong tháng 8 với 1 tỷ lượt tải xuống. Ứng dụng này có chức năng tương tự như các trang web đen, gồm các trang web ẩn có thể truy cập bằng phần mềm ẩn danh nên thường được các tin tặc ưa chuộng.

Telegram đang trở thành 'miếng mồi ngon' cho tội phạm công nghệ khai thác.

Không thể phủ nhận Telegram đã và đang làm rất tốt công việc của một ứng dụng nhắn tin đơn giản, dễ sử dụng nhưng độ bảo mật cũng như tính sáng tạo rất cao khi so sánh với những phần mềm nhắn tin tương tự trên thị trường. Nó được coi là “kẻ thách thức“ trước những gã khổng lồ như WhatsApps, Line, Viber hay Skype... 

Tuy nhiên, Telegram từ lâu đã thực hiện việc kiểm duyệt nội dung lỏng lẻo hơn so với các ứng dụng truyền thông xã hội lớn như Facebook và Twitter, tạo điều kiện cho các nhóm thù địch và thuyết âm mưu phát triển. Việc thế giới ngầm của tội phạm mạng để mắt đến ứng dụng có thể làm tăng áp lực lên nền tảng có trụ sở tại Dubai, đòi hỏi tăng cường kiểm duyệt nội dung nếu các nhà quản lý có kế hoạch phát hành ra công chúng trong tương lai và muốn quảng cáo cho dịch vụ của mình.

Nghiên cứu của Cyberint đặc biệt là việc phát hiện ra các nhóm công khai nhằm tìm kiếm tội phạm mạng đã đặt ra thêm câu hỏi về các chính sách kiểm duyệt nội dung của Telegram vào thời điểm công ty đang chuẩn bị bán quảng cáo trên các kênh Telegram công khai.

Đồng thời, đây cũng là lúc công ty chuẩn bị tham gia thị trường đại chúng sau khi huy động được hơn 1 tỷ USD thông qua việc bán trái phiếu vào tháng 3 cho các nhà đầu tư khác. Để đáp lại, Telegram cho biết trong một tuyên bố rằng họ "có chính sách xóa dữ liệu cá nhân được chia sẻ mà không cần sự đồng ý".

Họ cũng nói thêm rằng, “lực lượng kiểm duyệt chuyên nghiệp ngày một tăng” của Telegram mỗi ngày đã xóa hơn 10.000 nhóm công khai vì vi phạm điều khoản dịch vụ sau khi người dùng báo cáo.

Tại Việt Nam, Telegram cũng từng bước được nhiều người sử dụng và có thể sẽ sớm trở thành ứng dụng phổ biến trong thời gian ngắn tới đây.

Telegram ra mắt vào năm 2013, cho phép người dùng gửi tin nhắn thông qua “kênh” hoặc tạo các nhóm công khai và riêng tư. Người dùng cũng có thể gửi và nhận các tệp dữ liệu lớn trực tiếp thông qua ứng dụng, bao gồm tệp văn bản và đính kèm. Telegram cũng có chức năng tương tự như dark web, gồm các trang web ẩn, có thể truy cập bằng phần mềm ẩn danh, nên thường được các tin tặc sử dụng phổ biến. 

Bảo Linh (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang