Thái Bình tạm giữ hơn 4.000 đồ chơi trẻ em vi phạm về nguồn gốc, nhãn hàng hóa

author 10:23 29/08/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT tỉnh Thái Bình vừa tạm giữ lượng lớn đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thu giữ đồ chơi không có nhãn hàng hóa và vi phạm nguồn gốc

Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Thái Bình vừa phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh Thái Bình kiểm tra, phát hiện lượng lớn đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa và có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ.

 Đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc bị thu giữ tại Thái Bình. Ảnh: Cục QLTT Thái Bình

Theo đó, thực hiện kế hoạch chuyên đề kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng phục vụ Tết Trung thu năm 2022, Đội QLTT số 1 phối hợp với phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh Thái Bình tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em Bùi Thị Mai, địa chỉ tại Trần Nhật Duật, Chợ Bo, Phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình và khám kho hàng của hộ kinh doanh tại địa chỉ Công ty cổ phần dụng cụ thể dục thể thao, Đường Lý Bôn, TP Thái Bình. 

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 4.202 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại không có nhãn hàng hóa, không có tem hợp quy và chủ cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa nêu trên. Đoàn kiểm tra tạm giữ toàn bộ 4.202 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại trên, để thẩm tra xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Quy định pháp luật về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa

Căn cứ theo Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Điều 9. Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.

Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.

Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.

Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

Mức xử phạt về hành vi không có nhãn mác theo quy định pháp luật

Khoản 4 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi được quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d)  Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang