Thẩm mỹ Quốc tế Gang Nam bị xử lý do tự ý sử dụng từ "tốt nhất" để quảng cáo

author 20:49 22/08/2024

(VietQ.vn) - Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Trị vừa qua đã xử lý 4 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực y tế. Trong đó xử phạt 15 triệu đồng đối với hộ kinh doanh thẩm mỹ Quốc tế Gang Nam do vi phạm về quảng cáo.

Theo lãnh đạo Thanh Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, đoàn kiểm tra liên ngành vừa tiến hành đợt kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại một số cơ sở cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên địa bàn.

Trong vòng 13 ngày, đoàn liên ngành kiểm tra tại 8 cơ sở, qua đó phát hiện 4 cơ sở vi phạm với các lỗi như: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, mua bán hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm hơn 33 triệu đồng.

Trong số đó, hộ kinh doanh thẩm mỹ Quốc tế Gang Nam có địa chỉ trụ sở chính tại số 58, Quốc lộ 9, phường 1, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị bị xử phạt 15 triệu đồng.

Thẩm mỹ Quốc tế Gang Nam bị xử phạt do vi phạm trong lĩnh vực quảng. Ảnh: baoquangtri.vn

Theo đó, cơ sở này bị xử phạt về hành vi thực hiện quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định.

Ngoài ra, Nhà thuốc Đông Hải, địa chỉ tại tại 227 Trần Hưng Đạo, phường 2, thị xã Quảng Trị cũng bị xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng.

Nhà thuốc này bị xử phạt về các hành vi vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa, vi phạm quy định về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược, vi phạm quy định về bán lẻ thuốc, dược liệu (cơ sở bán lẻ bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc...).

Ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, việc tiến hành kiểm tra nhằm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, phòng chống việc cung cấp dịch vụ sức khỏe, dịch vụ thẩm mỹ chưa được cấp phép, chưa đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn cũng như xử lý các cơ sở dịch vụ y tế vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 quy định: Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hành vi bị cấm.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 35/2018/TT-BVHTTDL ngày 19 tháng 11 năm 2018, quy định tài liệu hợp pháp quy định tại khoản 11 Điều 8 của Luật Quảng cáo bao gồm: Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường; Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.

Thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường. Trên sản phẩm quảng cáo phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác tên tài liệu hợp pháp theo quy định nêu trên.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang