Thanh Hoá: Tiêu huỷ hơn 11.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vi phạm

author 14:08 19/12/2022

(VietQ.vn) - Cục QLTT tỉnh Thanh Hoá vừa tổ chức tiêu huỷ hơn 11.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá hơn 300 triệu đồng.

Hơn 11.000 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trị giá hơn 300 triệu đồng đã được Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hoá xử lý tiêu hủy bằng lò đốt tại nhà máy xử lý rác thải thuộc Công ty TNHH Ecotech Thanh Hóa dưới sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.

Được biết, số lượng lớn hàng hoá vi phạm trên được Đội QLTT số 10 phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường phát hiện và thu giữ tại 2 cơ sở kinh doanh nằm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. 

Theo đó, Đoàn tới kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Hoàng Văn Tuấn có địa chỉ 171 Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa và hộ kinh doanh Dung Rùa Cosmetics có địa chỉ A20 Lê Hoàn Vincom, phường Điện Biên, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 

Kết quả, Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 11.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu là hàng nhập lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

Căn cứ kết quả thẩm tra, xác minh và văn bản của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP.Thanh Hóa xác định vụ việc không có dấu hiệu tội phạm, vì thế, 2 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên phải đóng tổng cộng 181,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

 Số lượng lớn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu bị tiêu huỷ tại tỉnh Thanh Hoá 

Theo các chuyên gia, sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng không chỉ khiến da bị tổn thương mà những bệnh nhân có thể bị biến chứng nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của người bệnh. Có nhiều bệnh nhân sau khi sử dụng mỹ phẩm giả, kém chất lượng bị phù nề, sẹo sâu, da mặt bị hủy hoại, thậm chí có trường hợp tử vong do nhiễm độc chì. 

Với hành vi buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, pháp luật Việt Nam đã quy định rõ về chế tài xử lý. Theo đó, hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả, cá nhân hay tổ chức có thể bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi từ đó xem xét người này thuộc khung hình phạt nào.

Cụ thể, có 3 khung hình phạt đối với tội phạm này: Khung 1: Phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm đối với người sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các Điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp đặc biệt đã được ghi nhận tại khoản 2, Điều 156 Bộ Luật Hình sự; Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 3, Điều 156.

Ngoài ra, nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang