Tháo gỡ các rào cản, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã

author 06:01 08/04/2023

(VietQ.vn) - Những năm qua, khu vực kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực. tuy nhiên, đến nay chưa phát triển như mục tiêu đề ra. Cần phải xác định đúng hướng đi, tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế hợp tác trong thời gian tới.

Ngày 7/4/2023 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tổ chức phiên họp Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái- Trưởng Ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng- Phó Ban chỉ đạo, đồng chủ trì phiên họp. 

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước; năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế...- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trình bày về hoạt động của kinh tế tập thể trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, các chỉ tiêu hoạt động của HTX, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác đều tăng so với năm trước. Tổng số thành viên khu vực kinh tế tập thể trong năm 2022 là gần 8 triệu thành viên. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 976,3 ngàn người.

Các hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với 19.500 HTX (chiếm 66,4%) và gần 10.000 HTX phi nông nghiệp, còn lại là 1.488 HTX các lĩnh vực khác.

So với năm 2021, doanh thu bình quân HTX tăng 35%, lên 3,59 tỷ đồng. Lãi bình quân của 1 hợp tác xã 366 triệu đồng, tăng 152 triệu đồng, khoảng 71%. Thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 56 triệu đồng/người, tăng khoảng 8% so với 2021. 

Quý I/2023, Việt Nam tiếp tục thành lập mới 562 HTX, giải thể 31 HTX nâng tổng số HTX cả nước lên 29.909 HTX. Các tỉnh, thành phố có số HTX thành lập mới tiêu biểu như: Hà Nội (31 hợp tác xã), Bắc Giang (26 hợp tác xã) và Thái Nguyên (25 hợp tác xã).

Đánh giá về hoạt động của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam- cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 19.500 HTX nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đánh giá chất lượng và quy mô HTX đang ngày càng tăng lên.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đang hướng phát triển HTX gắn với vùng nguyên liệu bền vững, phát triển HTX theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, hiện gần 40% chủ thể OCOP là HTX, nhất là vùng núi phía Bắc. Đây là hướng đi tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động- Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Tháo gỡ điểm nghẽn về vốn

Đánh giá cao vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong việc cung ứng thực phẩm, kiểm soát lạm phát, đặc biệt là nhiều HTX đã chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các đại biểu cho rằng, kinh tế tập thể đang ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu với nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, khu vực kinh tế tập thể hiện vẫn đang gặp khó khăn về vốn, từ đó đề xuất có thêm những cơ chế, chính sách để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn.

Để giải quyết một trong những điểm được cho là "nghẽn" trong việc phát triển HTX là nguồn vốn, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các quỹ tín dụng nhân dân xuống 10%, miễn thuế lợi tức vốn góp của thành viên.

Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Nguyễn Ngọc Bảo cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gỡ nút thắt về nguồn vốn cho các HTX; trong đó, có việc xem xét hiệu quả của phương án kinh doanh; đồng thời, các Bộ ngành cần rà soát lại các văn bản, chính sách hỗ trợ, bổ sung cụm từ HTX để khu vực này dễ dàng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ...

Tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế tập thể phát triển

Nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần xác định đúng hướng đi, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển như Đảng, Nhà nước đã đề ra và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế hợp tác trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa toàn diện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ ban hành và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy. Bên cạnh đó, khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác sẽ được nghiên cứu hoàn thiện.

Bên cạnh việc hoàn thiện và và trình Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng và công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong năm nay.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng đề xuất việc xây dựng, quảng bá tốp 300 HTX điển hình hàng năm. Đây là cơ sở để các HTX trên cả nước được truyền cảm hứng về các cách làm hay để nâng cao năng lực, thích ứng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả đã đạt được về kết quả phát triển kinh tế tập thể năm 2022 như: năm 2022 khu vực kinh tế tập thể đã phát triển cả về số lượng và chất lượng; nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước,…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: chịu tác động của biến động thị trường; quy mô nguồn vốn nhỏ; trình độ cán bộ hạn chế, chậm chuyển đổi số; hợp tác xã chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia và yếu trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Một số chính sách còn chưa phù hợp với tính chất, quy mô và đặc điểm của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã …

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trong năm 2023, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo…

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang