Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do Covid-19: Cần xây dựng quy trình biện pháp phòng dịch bài bản, thống nhất

author 16:36 26/07/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay, nhiều địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16, gây nên tình trạng ùn tắc xe cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Để tháo gỡ tình trạng này, cần xây dựng quy trình biện pháp phòng dịch bài bản, thống nhất để các địa phương cùng thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, gây khó khăn, ách tắc giao thông.

Thiếu nhất quán trong biện pháp phòng dịch- doanh nghiệp khó chồng khó

Tại buổi tọa đàm trực tuyến ‘Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do Covid-19 cách nào?”, ông Nguyễn Văn Quyền- Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, dịch bệnh đã khiến hoạt động vận tải ảnh hưởng nghiêm trọng. So với trước dịch, sản lượng vận tải hành khách giảm sút 20-30%; Vận tải hợp đồng du lịch gần như đóng băng; doanh thu vận tải hàng hoá giảm sút 20-30%; Số xe phải nằm bãi có thời điểm lên tới hơn 50%.

 Tọa đàm trực tuyến ‘Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do Covid-19 cách nào?“.

Đặc biệt khâu vận tải hàng hoá lưu thông trên đường gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện, các chi phí bị đội lên- ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.

Những khó khăn trên là do có quy định khác nhau về giấy xét nghiệm và thời hạn xét nghiệm đối với lái xe. Theo bà Phan Thị Thu Hiền- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vừa qua, Bộ GTVT đã thành lập 4 đoàn công tác đến các địa phương, các tuyến quốc lộ, cao tốc để kiểm tra, phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc. 

Thực tế cho thấy, có những địa phương còn quy định khác nhau về giấy xét nghiệm và thời hạn xét nghiệm đối với lái xe. Hay có địa phương quy định chỉ áp dụng giấy xét nghiệm PCR, một số địa phương lại cho phép cả 2 loại. Hiện Bộ Y tế quy định giấy xét nghiệm có thời hạn 72 giờ, nhưng có địa phương lại quy định ngắn hơn.

 
Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện cấp thẻ ưu tiên trên "luồng xanh" vận tải hàng hóa. Đến nay, cả nước đã cấp gần 55.000 thẻ luồng xanh cho các phương tiện lưu thông.
 

Thời gian vừa qua, khi các địa phương áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp vận tải.

“Trên địa bàn Quảng Ninh, tôi không hiểu lý do vì sao khi vào khu vực cửa khẩu phải test trong khi bắt đầu vào tỉnh, lái xe đã phải test PCR” - ông Trần Đức Nghĩa- Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam bức xúc:

Sự thiếu nhất quán còn thể hiện ở việc các địa phương ứng xử đối với đường quốc lộ. Tại Hải Dương khi dịch lần 3 bùng phát, UBND tỉnh đã cho đóng cửa quốc lộ 18 và 52. Trong khi đó, tại lần dịch thứ tư, Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn duy trì vận chuyển hàng hoá quốc lộ 1A và 18 bình thường, mặc dù mức độ dịch bệnh tại đây nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Sự khác biệt giữa TP.HCM và Hà Nội cũng thể hiện rõ khi khi quốc lộ 1A qua địa bàn TP.HCM không bị đóng cửa khi áp dụng Chỉ thị 16. Còn tại Hà Nội đã đóng cửa ngay quốc lộ 1A để phong toả địa bàn. 

Điểm nữa khi thay đổi hoặc áp đặt quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp. Ví dụ tại Hải Phòng từ ngày 18 đến 20/7/2021, 3 cửa ngõ đi vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, do vậy các DN chưa thể cập nhật thông tin. Theo tính toán của Hiệp hội, tình trạng trên đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.  

Khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là test Covid, ông Trần Văn Hào- Chủ tịch HĐQT/ Tổng giám đốc Công ty Thái Việt Trung chia sẻ, không chỉ các tỉnh, mà các nhà máy cũng yêu cầu test PCR rất phức tạp và tốn kém.

Cụ thể đi vào nhà máy LG Hải Phòng khi cho xe vào Hữu Nghị đã phải test, khi quay trở lại nhà máy đã hết hạn, 1 chuyến hàng phải test 2 lần chi phí tăng lên rất lớn. Thống kê sơ bộ với doanh nghiệp gần 100 lái xe hoạt động, sẽ phải mất chi phí khoảng 100 tỷ đồng/ tháng.

Hơn nữa, việc một số nhà máy tại Hải Dương và Bắc Ninh cấm biển số xe đến từ các vùng dịch cũng gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp- ông Trần Văn Hào cho biết thêm.

Xây dựng quy trình biện pháp phòng dịch bài bản, nâng cao công tác phòng chống dịch của lái xe

PGS. TS Trần Đắc Phu- Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, xét nghiệm chỉ là một giải pháp trong tất cả các biện pháp phòng chống Covid-19, chứ không phải trên hết. Bởi vì, qua phân tích, con số 72 giờ chỉ là tương đối. Bởi xét nghiệm cho kết quả âm tính căn bản chỉ đánh giá tại thời điểm được lấy mẫu xét nghiệm người được xét nghiệm không bị nhiễm covid-19, vì nếu mới mắc 1-2 ngày thì chưa chắc virus chưa đủ mạnh nên xét nghiệm có thể chưa chính xác.

Do vậy, các địa phương nên chấp nhận kết quả xét nghiệm áp dụng đồng bộ trong 72 giờ, không nên mỗi nơi một cách. Đặc biệt, việc phòng bệnh của lái xe là điều quan trọng nhất. Nếu lái xe nghĩ rằng xét nghiệm âm tính là xong rồi mà không tập trung phòng bệnh tiếp theo thì rất nguy hiểm.

Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, văn bản của Tổng cục Đường bộ VN cũng yêu cầu trước, trong và sau chuyến đi, lái xe phải hạn chế tiếp xúc nhiều người.

Hiện tổng số lái xe kinh doanh vận tải lên đến 2,5 triệu, Cục Đường bộ đề xuất ngành y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vaccine sớm để bảo đảm an toàn cho người lái xe. Đồng thời, cần nâng cao hướng dẫn, giám sát và kiểm tra việc chấp hành của tài xế trong phòng bệnh, có những giải pháp khác để lái xe không tiếp xúc với những người xung quanh.

Thời gian qua, đã có nhiều đơn vị vận tải tổ chức quản lý lái xe trước và sau chuyến đi. Một số DN gom chung lái xe lại, thực hiện “3 tại chỗ", trước, trong và sau vận chuyển, hạn chế lái xe tiếp xúc với người bên ngoài để phòng ngừa dịch bệnh cho lái xe cũng như để lái xe nếu có mầm bệnh không lây lan ra cộng đồng.

PGS. TS Trần Đắc Phu đề xuất, Bộ Y tế, Bộ GTVT, các doanh nghiệp, Hiệp hội, Bộ Công thương, các bộ ngành liên quan, và cả Bộ Công an cùng ngồi lại với nhau xây dựng một hướng dẫn trên tinh thần kiểm soát an toàn và kiểm soát rủi ro, theo hướng phải dễ cho người thực hiện, nếu khó quá sẽ không thể thực hiện được và gây nhiều tranh cãi, thắc mắc khi triển khai giống như việc quy định thực phẩm thiết yếu vừa qua.

Khi có quy trình thực hiện bài bản, giả sử địa phương nào phải thực hiện giãn cách, phong toả cứ thế áp dụng vào sẽ không bị bối rối, mà thực hiện được ngay, hàng hoá thiết yếu cũng sẽ đi vào thuận lợi, không để xảy ra tình trạng xe phải quay đầu như Hà Nội những ngày qua- PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang