Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành da giày trong bối cảnh dịch bệnh

author 15:51 27/08/2021

(VietQ.vn) - Dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp da giày trên cả nước đang gặp khó, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, nhiều nhà máy sản xuất da giày phải đóng cửa khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp da giày trên cả nước đang gặp khó, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, nhiều nhà máy sản xuất da giày phải đóng cửa khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu…

Theo thông tin từ Hiệp Hội da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), tính chung 7 tháng đầu năm 2021, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 14,2 tỷ USD, tăng 25,3%, trong đó xuất khẩu giầy dép đạt 12,14 tỷ USD tăng 28,2% và xuất khẩu túi xách đạt 2,02 tỷ USD tăng 10%. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lefaso nhận định, xuất khẩu sản phẩm da giày nửa đầu năm 2021 tăng trưởng được là do da giày Việt Nam có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh. Điển hình như, giá nhân công của Trung Quốc tăng cao khiến khách hàng di chuyển một lượng đơn hàng tương đối đáng kể sang Việt Nam.

Cần có thêm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành da giày trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên trong hơn 1 tháng qua, các doanh nghiệp da giày khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. “Trong khi đó, việc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi do việc di chuyển gặp khó khăn khi nguyên phụ liệu ngành da giày nhập khẩu chính từ Trung Quốc (60%), tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Những khó khăn hiện nay đã khiến nhiều đối tác của ngành da giày dần chuyển đơn hàng sang các nước khác”, bà Xuân cho biết.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành da giày, Lefaso kiến nghị bổ sung quy định giao Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp để ra Quy trình tiêu chuẩn, giúp các địa phương đánh giá được mức độ rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa việc đóng cửa doanh nghiệp.

Hiệp hội cũng góp ý bổ sung giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu và cho phép doanh nghiệp áp dụng Điều 108 của Bộ Luật Lao động để vượt trần thời gian làm thêm giờ cả mức tháng và mức năm; có thể cân nhắc cho phép áp dụng Điều 108 trong tình hình đặc biệt hiện nay đến hết năm 2021.

“Nếu chỉ nâng mức trần theo tháng thì rất nhiều doanh nghiệp cho đến nay đã dùng gần hết mức trần của năm, do đó sẽ không còn dư địa để đẩy nhanh tốc độ sản xuất nhằm bù đắp cho thời gian đã mất, cũng như người lao động sẽ phục hồi thu nhập càng chậm hơn”, bà Phan Thị Thanh Xuân phân tích.

Bên cạnh đó, Lefaso cũng góp ý Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP, nhưng không phải trong 6 tháng từ khi nộp hồ sơ mà 1 năm từ khi nộp hồ sơ. Đối với các doanh nghiệp nằm trong địa phương áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg được giảm 50% số tiền phải nộp.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn trước mắt đến 30/6/2022; Miễn đóng đến 31/12/2021 cho doanh nghiệp nằm trong các địa phương thực hiện Chỉ thị 16; cho phép doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động...

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang