Tháo 'nút thắt' nội tại để kinh tế Việt Nam cất cánh

author 07:31 25/01/2023

(VietQ.vn) - Nhờ sự thay đổi linh hoạt trong việc phòng chống đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Dù vậy, trong năm, thế giới đã đối mặt với nhiều bất ổn, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hồi phục và phát triển kinh tế. Nhân dịp xuân mới Quý Mão 2023, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Nhìn lại một năm đầy bất ổn của kinh tế toàn cầu, ông đánh giá thế nào về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2022?

Nhìn chung, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 rất khả quan với đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh các điểm sáng vẫn còn những gam màu tối đan xen. Về điểm sáng, đầu tiên, yếu tố quan trọng nhất chính là công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Chính phủ đã nhanh chóng chuyển hướng phòng chống dịch bệnh linh hoạt hơn, kèm theo tốc độ phủ vắc-xin rất nhanh đã giúp Việt Nam mở cửa hoàn toàn nền kinh tế từ tháng 3/2022. Từ thời điểm đó, nền kinh tế có đà phục hồi.

Thứ hai, nhờ vào đà phục hồi, các ngành nghề từ nông nghiệp, công nghiệp đến thương mại - dịch vụ đã tăng trưởng nhanh chóng, tạo ra lực đẩy cho toàn nền kinh tế. Thứ ba, điểm sáng quen thuộc của nền kinh tế như xuất nhập khẩu, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục giữ được nhịp tăng trưởng. Thương mại tiếp tục thặng dư, FDI tuy có giảm về số đăng ký, nhưng lại tăng lên về khối lượng giải ngân. Cuối cùng, đó là sự hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần, là các gói hỗ trợ của Chính phủ bao gồm giải pháp về phát triển hạ tầng, tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội.

 Ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB. 

Ở chiều ngược lại, những mảng tối của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 chủ yếu từ tác động lan tỏa từ bên ngoài, như hệ lụy từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine. Thế giới phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, lạm phát diễn tiến ngày càng phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Những mảng tối của kinh tế thế giới đã tràn vào Việt Nam, tác động ngày càng đậm nét vào quý IV/2022 và nó đang khiến nền kinh tế rung lắc dữ dội trong tháng 10 và tháng 11.

Ngoài các yếu tố bên ngoài, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều rủi ro từ những vấn đề nội tại, bao gồm việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thị trường tài chính còn nhiều thách thức. Đặc biệt, thị trường lao động, các chính sách an sinh xã hội đang có nhiều bất cập cần được tháo gỡ kịp thời.

Ông có thể phân tích rõ hơn những mảng tối liên quan tới nội tại nền kinh tế Việt Nam?

Trước hết, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Đơn cử như sự phối hợp đồng bộ về cả ngành dọc, tức là Trung ương tới địa phương cho tới các ngành ngang, giữa các Bộ, Ngành nhiều lúc chưa có sự thống nhất. Điều này thể hiện qua quá trình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kỳ vọng. Mặc dù Chính phủ đã rất quyết liệt nhằm tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, nhưng để giải quyết được thì không thể xong trong một sớm, một chiều.

Tiếp đến là các vấn đề của thị trường vốn. Từ trước tới nay, ai cũng thấy, thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn hòa nhịp với thị trường tiền tệ. Nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, tuy nhiên hiệu quả vẫn thấp. Do đó, tín dụng toàn nền kinh tế đang có dấu hiệu ngày càng phình to. Trong khi đó, các kênh huy động vốn khác như trái phiếu và chứng khoán đang trong quá trình phát triển và cần có thêm thời gian, để củng cố và hoàn thiện các kênh huy động vốn này.

Tiếp nữa là thị trường lao động. Có thể thấy rất rõ, trong bối cảnh thế giới giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm đơn đặt hàng, lập tức nhiều người lao động bị mất việc làm. Điều này đã bộc lộ ra mảng tối khác, chính là các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là nhóm lao động trong lĩnh vực không chính thức, hiện chưa được bảo vệ...

Trước những khó khăn từ thế giới và cả nội tại, ông có dự báo thế nào về kinh tế Việt Nam trong năm mới 2023?

Như tôi đã chia sẻ, yếu tố bên ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, và những ảnh hưởng này có thể kéo sang cả năm 2023. Do đó, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 còn phù thuộc khá nhiều vào diễn biến của tình hình kinh tế thế giới. Nhưng tôi cho rằng, quý II/2023 lạm phát toàn cầu sẽ có dấu hiệu hạ nhiệt. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát trong mùa xuân năm 2023 và có rất ít khả năng nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Đồng thời, năm 2023, Trung Quốc sẽ dần mở cửa trở lại, tạo ra dòng thương mại hai chiều cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Đây đều là các yếu tố khả quan trong năm 2023.

Tuy nhiên, để nền kinh tế phục hồi ổn định và tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần giải quyết ngay các nút thắt nội tại. Trước mắt, để nền kinh tế hồi phục, phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Và để làm được điều này, Việt Nam cần khơi thông dòng vốn, nhất là vốn tín dụng ngân hàng đối với các lĩnh vực được ưu tiên.

Đồng thời, thị trường vốn cũng cần khơi thông lại dòng vốn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bằng mọi giá thúc đẩy đầu tư công. Tôi cho rằng, Việt Nam phải dùng biện pháp mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành.

Cuối cùng là tăng cường các biện pháp an sinh xã hội. Tôi cho rằng, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm chỉ mang tính cục bộ. Quá trình phục hồi xuất khẩu sẽ diễn ra, nhưng không đến nhanh. Do đó, việc triển khai các giải pháp an sinh xã hội tốt sẽ có tác dụng như liều vắc-xin, hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài có thể xảy ra trong năm 2023.

Đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi - kinh tế xã hội, với gói hỗ trợ kỷ lục lên tới 350.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là lực đẩy cho nền kinh tế bứt phá trong giai đoạn 2022 - 2023. Tuy nhiên, cho tới hết quý III/2022, Việt Nam mới sử dụng hơn 20% gói hỗ trợ này. Ông nghĩ sao về điều này?

Gói hỗ trợ của Chính phủ bao gồm 4 nhóm giải pháp chính, đó là phát triển kết cấu hạ tầng, tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội. Trong 4 nhóm giải giải pháp này, các chính sách về tài khóa, miễn thuế, giảm thuế là đem lại hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt là việc giảm thuế VAT 2% đã tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp.

Ngược lại, 3 nhóm giải pháp còn lại vẫn chưa có những tác động rõ nét. Trước hết là chính sách về tiền tệ, thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2% và kêu gọi các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đầu quý III/2022, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành và tăng lãi suất huy động. Việc đưa lãi vay về mức thấp hơn là khó xảy ra. Với chính sách liên quan tới vấn đề an sinh xã hội, còn nhiều người chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Trong khi đó, 1/3 của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, tương đương 114.000 tỷ đồng được dành cho việc phát triển hạ tầng. Đây là nhóm giải pháp mạnh tay nhất, nhưng triển khai có lẽ kém hiệu quả nhất. Bởi lẽ, thủ tục hành chính kéo dài. Riêng việc lập xong danh mục dự án đã mất khoảng 2 năm. Sau đó phải mất thêm 2 - 3 năm nữa dự án mới được phê duyệt. Đó là chưa kể các thủ tục khác như chủ chương đầu tư phải mất thêm vài năm mới xong. Trong khi đó, gói hỗ trợ yêu cầu giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023.

Như vậy, có thể thấy rằng, gói hỗ trợ liên quan tới việc phát triển hạ tầng là ít khả quan nhất. Do đó, theo quan điểm của tôi, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Chính sách này hiện vẫn còn dư địa lớn, bởi Ngân sách vẫn đang có thặng dư.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Kim Anh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang