Thắt chặt quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

author 05:57 18/05/2022

(VietQ.vn) - Vừa quản lý chặt chẽ, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên thương mại điện tử, vừa phải tạo thuận lợi thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp chân chính phát triển là bài toán không dễ dàng.

Thực hiện tuyến bài chống hàng giả trên sàn thương mại điện tử, Chất lượng Việt Nam đã đăng tải hai bài viết: Nhận diện vấn nạn hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Tẩu tán hàng ‘nhanh như chớp’; Hàng giả trên sàn thương mại điện tử - ‘lỗ hổng’ xói mòn nguồn thu thuế nhằm chỉ ra thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời cho thấy hệ lụy của việc buôn bán hàng giả, hàng lậu làm xấu môi trường kinh doanh, tổn hại kinh tế, sức khỏe của người tiêu dùng và đặc biệt gây thất thu thuế đối với Nhà nước. Trong bài viết tiếp theo này, Chất lượng Việt Nam Online sẽ tiếp tục phân tích một số vấn đề liên quan đến lỗ hổng trong quản lý Nhà nước, kiểm soát chất lượng hàng hóa của cơ quan chức năng về thương mại điện tử thời gian qua.

Thương mại điện tử là lĩnh vực tiềm năng nhưng đã và đang cho thấy nhiều bất cập trong kiểm soát chất lượng hàng hóa. Ảnh minh họa.

Vừa siết chặt, vừa tạo thuận lợi

Theo đó, thương mại điện tử là lĩnh vực tiềm năng nhưng đã và đang cho thấy nhiều bất cập như quảng cáo và mua - bán công khai hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng; hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí là hàng “cấm”; tranh chấp thương mại ảo gia tăng... Song “siết” thế nào, “siết” tới đâu khi vừa phải quản lý nhằm hạn chế bất cập, tránh thất thu, lại vừa phải tạo thuận lợi thúc đẩy ngành kinh tế được coi là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số là bài toán không dễ giải.

 
“Thương mại điện tử là kinh tế số cả thế giới họ làm, thương mại điện tử rất tuyệt vời, cần cổ vũ nhưng cần tách biệt rõ khỏi việc cho kinh doanh và làm bậy. Việc sàn thương mại điện tử ai cũng ủng hộ phát triển, càng như vậy càng phải tăng cường chống hàng gian, hàng giả”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books nêu quan điểm.

 

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện việc truy xuất, lưu trữ hóa đơn các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn, bởi lực lượng Quản lý thị trường không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng.

Để cất giấu và vận chuyển hàng hóa tới người tiêu dùng, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên mạng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận, nhưng lực lượng Quản lý thị trường không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra.

Mặt khác, nhiều mô hình thương mại điện tử mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website thương mại điện tử, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia, mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động... Những thách thức này cho thấy trong thời gian tới cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, bởi đây là những mắt xích quan trọng giúp thương mại điện tử phát triển bền vững.

Nguồn nhân lực, năng lực quản lý có “độ trễ”

Giới chuyên gia nhận định, nguyên nhân khiến các sàn giao dịch thương mại điện tử liên tục xuất hiện hàng giả, nhái nhãn mác là do đăng ký trở thành chủ cửa hàng và bán sản phẩm trên website thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo… khá dễ dàng, không bó buộc bằng quy định trách nhiệm đối với người kinh doanh. Ngay cả sàn giao dịch cũng không chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa được bày bán, điều này đã trở thành lỗ hổng cho gian thương trà trộn hàng giả hàng nhái, kém chất lượng để lừa người tiêu dùng.

Những người trực tiếp hoạt động hoặc cho thuê nền tảng hoạt động mua - bán online chưa hoàn toàn đồng thuận các chủ trương từ cơ quan quản lý vì nhiều lý do. Việc quản lý phải thuận lợi thỏa đáng cho doanh nghiệp, vì xét đến cùng nếu không có những doanh nghiệp tiên phong, dám nghĩ, dám làm thì Việt Nam sẽ không có thương mại điện tử.

Rõ ràng, khó khăn, thuận lợi song hành khi vừa muốn quản lý chặt, vừa muốn thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng hiện đại và cơ quan chức năng cũng thừa nhận “nguồn nhân lực và năng lực quản lý luôn có độ trễ so với sự phát triển của công nghệ và nhân lực công nghệ”.

Thêm một yếu tố nữa, ít được nhắc đến nhưng tác động không lường, đó là, nếu nội địa bị siết chặt, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp thương mại điện tử ngoại ồ ạt tràn vào, là mối lo cho thị trường trong nước. Khi đó, việc thất thu thuế như chúng tôi đã chỉ ra trong bài viết trước thực sự đáng lo hơn. Để giải quyết vấn đề đặt ra, cần có các giải pháp quyết liệt, chính xác và phù hợp trong bối cảnh kinh tế số hiện nay. Trong bài viết tới đây, chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp, đề xuất nhằm góp phần phát triển lành mạnh thị trường thương mại điện tử!

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang