Nhận diện vấn nạn hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Tẩu tán hàng ‘nhanh như chớp’

author 05:27 14/05/2022

(VietQ.vn) - Có những kho hàng lực lượng chức năng thu giữ được bắt nguồn từ những livestream bán hàng, kiểm đếm mất vài ngày. Hầu hết đều là các loại hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, thậm chí còn được phân loại như hàng fake loại 1, loại 2, loại 3...

Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa nghi là hàng giả tại một vụ việc ở Thanh Hóa. 

Cơ hội kinh doanh lớn

Hiện nay, thương mại điện tử, mạng xã hội đang tạo ra sức hút, cơ hội kinh doanh rất lớn cho doanh nghiệp. Với hơn 70 triệu người sử dụng Internet, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%. 

Đặc biệt 2 năm trở lại đây, với đòn bẩy từ dịch Covid-19, thị trường thương mại điện tử năm 2021 tại Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ (đạt doanh số 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020), đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây là tiền đề để trong năm 2022, thương mại điện tử sẽ tiếp tục "bùng nổ", tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), điểm sáng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian qua là xu hướng tích cực chuyển đổi số của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các địa phương. Chất lượng giao dịch thương mại điện tử ngày càng được nâng lên. Thương mại điện tử đã mở rộng ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng tồn tại các yếu tố tiêu cực: tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp. 

Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web thương mại điện tử, đặc biệt các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Phương thức vi phạm đa dạng

Một số kho hàng giả bị lực lượng chức năng thu giữ với quy mô đáng kinh ngạc. 

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã nỗ lực hết sức để bắt kịp xu hướng thời kỳ 4.0, khi nền tảng mạng phát triển chóng mặt. Thương mại điện tử trước đây chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, cao hơn là trên các sàn thương mại điện tử. Nhưng hiện nay các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok cũng bán được hàng và đây mới chỉ là bước đầu của nền kinh tế số.

Chưa kể, mô hình thương mại điện tử không chỉ ở một nơi mà đa quốc gia, lãnh thổ, lĩnh vực. Đơn cử như vụ thu giữ ở Thanh Hóa ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Đối tượng sử dụng 2 - 3 địa điểm, nơi bán hàng riêng, nơi livestream riêng và kho lại ở một chỗ khác. Trong khi rất khó tiếp cận các địa điểm này vì đôi khi đối tượng ở khu vực quân sự có đơn vị chức năng bảo vệ, ra vào rất khó khăn. Hoặc đối tượng sử dụng nhà riêng là nơi tập kết hàng, muốn khám nhà ở là nơi cất giấu theo luật phải có quyết định của Chủ tịch UBND cấp quận, huyện.

“Nhưng để giải thích được và cho ra một quyết định khám nhà mất nhiều thời gian, trong lúc đó thì hàng hóa có thể bị tẩu tán rất nhanh. Hoặc một người có thể bán nhiều hàng hóa, sản phẩm khác nhau, không phải của mình, chỉ cần có đơn hàng là mua chỗ khác chuyển về. Mô hình linh động như vậy gây ra khó khăn cho lực lượng Quản lý thị trường và cơ quan chức năng nói chung. Do đó, công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên không gian mạng” - ông Nguyễn Đức Lê chia sẻ.

Cùng với đó, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng thông tin thêm về thủ đoạn vi phạm của các đối tượng. Cụ thể, các đối tượng có thể khởi tạo gian hàng và chỉ chạy trong một đợt, sau đó có những chương trình giảm giá đặc biệt như giá 1.000 đồng, giá 0 đồng... Khi hết chương trình, họ đóng gian hàng và cũng biến mất luôn.

Không chỉ lừa đảo người mua, các đối tượng còn lợi dụng lừa đảo cả đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng như sàn thương mại điện tử và đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát hàng hóa. Hiện nay, các sàn thương mại điện tử khi đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương đều phải có chứng minh thư/căn cước công dân hoặc mã số thuế. Tuy nhiên, số lượng người bán lẻ trên sàn thương mại điện tử sử dụng chứng minh thư/căn cước công dân giả rất nhiều.

Hiện, các doanh nghiệp cũng rất bức xúc về vấn đề hàng giả buôn bán trên mạng, kể cả sàn thương mại điện tử uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên mạng xã hội. Nhiều trường hợp người tiêu dùng phát hiện rồi báo lại doanh nghiệp mới biết sản phẩm của mình bị làm giả. Và khi đã phát hiện cũng rất khó truy tìm vì những đối tượng này thấy động là “mất tích”. Trong năm nay, vấn nạn hàng giả có nhiều yếu tố trở nên nghiêm trọng hơn do kinh doanh online bùng nổ và những khó khăn trong việc phát hiện cũng như chế tài xử lý hàng giả trên thương mại điện tử.

Có thể nói, sự nguy hiểm của buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây nên "thiệt hại đơn, thiệt hại kép" cho cả phía Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích trong bài viết tiếp theo về những hệ lụy nhãn tiền của hành vi vi phạm này!

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang